|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 27/8: Khối ngoại duy trì bán ròng với tâm điểm là giao dịch thỏa thuận 1,9 triệu cổ phiếu VJC ở giá trần

16:57 | 27/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên thị trường đồng loạt hồi phục trong phiên chiều, nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng gần 370 tỷ đồng tại HOSE. Tâm điểm bán ròng là giao dịch bán thỏa thuận 1,9 triệu đơn vị cổ phiếu VJC ở mức giá trần.

Đóng cửa, VN-Index tăng 12,08 điểm (0,93%) lên 1.313,2 điểm, HNX-Index tăng 1,94 điểm (0,58%) lên 338,79 điểm, UPCoM-Index tăng 0,63% lên 92,13 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch khởi sắc hơn trong nửa cuối phiên chiều. Tâm lý giao dịch tích cực cộng hưởng với sự tham gia của dòng tiền giúp VN-Index đóng cửa cao nhất ngày, được kéo gần 30 điểm so với vùng giá thấp nhất trong phiên.

Thanh khoản phiên hôm nay được cải thiện với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 949 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 26.272 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 20.200 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, giao dịch tiếp tục nghiêng về bên bán khiến khối ngoại bán ròng gần 370 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 890.800 đơn vị.

Phiên 27/8: Khối ngoại duy trì bán ròng với tâm điểm là giao dịch thỏa thuận 1,9 triệu cổ phiếu VJC ở giá trần - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở phía bán ròng, cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet bất ngờ trở thành mã bị bán ròng nhiều nhất hơn 1,8 triệu đơn vị, tương đương gần 235 tỷ đồng.

Giao dịch chủ yếu được thực hiện qua phương thức thỏa thuận khi sàn HOSE ghi nhận lệnh "sang tay" 1,9 triệu đơn vị VJC ở giá trần, đạt tổng giá trị 2.557 tỷ đồng. Đáng chú ý, bất chấp nhịp điều chỉnh hơn 70 điểm của VN-Index, VJC đã tăng hơn 8% kể từ phiên 18/8 đến nay.

Theo sau, PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận bất ngờ góp mặt trong top bán ròng với 62,5 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại chủ yếu rút khỏi các mã bluechip như HPG (60,8 tỷ đồng), MSN (45 tỷ đồng), KDH (36,2 tỷ đồng), GMD (30,3 tỷ đồng).

Trong phiên cổ phiếu ngành dược đồng loạt tăng nóng, DMC của CTCP Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco bị khối ngoại rút ròng 28 tỷ đồng. Theo sau, VIC, VNM, VPB cũng chịu áp lực bán dưới 30 tỷ đồng.

Phiên 27/8: Khối ngoại duy trì bán ròng với tâm điểm là giao dịch thỏa thuận 1,9 triệu cổ phiếu VJC ở giá trần - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua ròng, giao dịch có phần ảm đạm khi phần lớn các mã được mua ròng dưới 10 tỷ đồng. Mặc dù bán ròng VIC, cổ phiếu VHM của Vinhomes được khối ngoại mua ròng trở lại 65 tỷ đồng. Đóng cửa VHM lấy lại 0,28% giá trị, dừng lại ở 106.900 đồng/cp.

Dòng vốn ngoại tiếp tục tìm đến MBB và STB của nhóm ngân hàng với quy mô mua ròng 50,6 tỷ đồng và 39,4 tỷ đồng. Đây cũng là hai mã được nhóm này rót vốn nhiều nhất từ đầu tháng 8 với giá trị lần lượt là 918 và 635 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sacombank là 16%, còn ở MB là 22,3%.

Theo sau, CTG của VietinBank bất ngờ lọt top mua ròng với 21,6 tỷ đồng. Như vậy khối ngoại đã chấm dứt chuỗi bán ròng 448 tỷ đồng CTG kể từ đầu tháng 8 để chuyển sang vị thế mua ròng.

Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch mua ròng nhẹ là POW, DGC, HSG, HDG, DXG và chứng chỉ FUEVFVND.

Sau hai phiên mua ròng tại sàn HNX, nhóm này trở lại vị thế bán ròng với 15,1 tỷ đồng, tương ứng rút ròng về khối lượng 649.470 đơn vị cổ phiếu.

Sau nhiều phiên mua ròng mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài có động thái chốt lời hơn 9,3 tỷ đồng VND (Chứng khoán VNDirect) trong phiên giao dịch cuối cùng trên HNX. Theo sau, họ bán ròng DXP (7,2 tỷ đồng), BCC (3,2 tỷ đồng), PLC (2,9 tỷ đồng). Giao dịch rút ròng cũng được ghi nhận tại các mã SHB, IDC, BII, VNR, DL1 với giá trị đều trên 1 tỷ đồng.

Ở chiều mua, DXS của Đất Xanh Services được mua ròng mạnh nhất với 13 tỷ đồng, nối tiếp là SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (3,1 tỷ đồng). Cùng chiều, nhóm này chỉ vào ròng dưới 500 triệu đồng tại các mã SRA, NSC, TDN, CEO...

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng thứ 6 liên tiếp, tuy vậy quy mô mua ròng thu hẹp về mức 8,6 tỷ đồng và 43.310 đơn vị, giảm gần 17% so với phiên trước đó.

Cụ thể, giao dịch mua ròng diễn ra nhiều nhất tại CTR của Viettel Construction (5,2 tỷ đồng), QNS của Đường Quảng Ngãi (4,8 tỷ đồng), VTP của Viettel Post (3,7 tỷ đồng). Nối tiếp, MML thu hút khoảng 1,2 tỷ đồng lực vào ròng, theo sau bởi BSR (337 triệu đồng), MCH (310 triệu đồng)....

Trái chiều, cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Agribank chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với 2,3 tỷ đồng. Mới đây, ABI đã thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:14, dự kiến tăng vốn điều lệ từ 380 tỷ đồng lên gần 432 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều, lần lượt là FOX (1,4 tỷ đồng), GHC (945 triệu đồng), ACV (722 triệu đồng)...

Thảo Bùi