Gian nan nghề tiếp thị bán hàng
Tiếp thị… khứu giác |
Cùng những nhân viên tiếp thị rong ruổi khắp những nẻo đường từ thành phố cho đến vùng sâu, tôi mới thấu hiểu và cảm nhận hết nỗi vất vả, cực nhọc của nghề tiếp thị. Việc ăn bụi, ngủ đường hay dầm mưa, dãi nắng đối với anh em là chuyện bình thường. Có khi còn phải đối mặt với bao nguy hiểm, như: Nhiều đoạn đường khó đi, lầy lội, đi sớm về khuya... Thêm vào đó, các công ty còn khoán doanh số bán hàng để tính tiền thu nhập khiến những người tiếp thị thêm phần áp lực. Hiện nay, nhiều nhân viên tiếp thị trên địa bàn tỉnh bị các đơn vị tuyển dụng phớt lờ quyền lợi tham gia các chế độ, chính sách mà pháp luật đã quy định. Ngoài ra, hiện nay nhiều kẻ gian lợi dụng, giả danh nhân viên tiếp thị để bán hàng giả len lỏi ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, điều này khiến người tiêu dùng giảm lòng tin đối với nghề tiếp thị. Là nhân viên tiếp thị sản phẩm nước giải khát Pepsi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, anh Lường Hữu Sơn, xã Minh Khôi (Nông Cống), cho biết: Doanh số bán hàng công ty giao cho mỗi nhân viên bán từ 3.000 đến 3.500 thùng sản phẩm/tháng, nếu hoàn thành 100% doanh số thì được trả hơn 4 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền kiểm soát bán hàng, trưng bày sản phẩm. Nếu doanh số bán hàng vượt mức hàng tháng công ty giao thì có mức thưởng căn cứ theo giá bán sỉ và bán lẻ sản phẩm vượt mức. Hàng tháng, để hoàn thành doanh số được giao, hàng ngày anh phải chở hàng bôn ba khắp mọi nẻo đường bất kể nắng, mưa. Khó khăn nhất của những người làm tiếp thị bán hàng là làm sao thuyết phục được khách hàng, những người mà họ chưa từng quen biết bỏ tiền ra mua sản phẩm. Thu nhập bình quân hàng tháng của anh Sơn từ 7 triệu đến 10 triệu đồng, ngoài ra, công ty đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ phụ cấp khác theo quy định. Không phải ai cũng may mắn có được công việc tiếp thị bán hàng có thu nhập ổn định, nhiều người mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ phải chạy đua với doanh số mà công ty giao cho. Anh LTH được người bạn giới thiệu làm nhân viên tiếp thị cho một hãng mì ăn liền với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng, chưa kể hoa hồng; công việc làm theo nhóm nhẹ nhàng, chỉ cần đạt chỉ tiêu doanh số theo mức vừa phải. Đến khi vào làm việc, anh mới biết không dễ gì đạt chỉ tiêu bán hàng theo định mức. Sản phẩm của công ty là một loại mì ăn liền mới xuất hiện trên thị trường. Sau một tháng làm việc cật lực, đi khắp nơi trên địa bàn tỉnh, chỉ bán được hơn 100 thùng, không đạt chỉ tiêu nên đành nghỉ việc.
Hiện nay, ở hầu hết các nhà hàng, quán ăn uống đều có đội ngũ tiếp thị rượu, bia của các thương hiệu khác nhau hoạt động. Len lỏi giữa những thực khách đang cười nói ồn ào là các cô gái trẻ, xinh xắn trong các bộ đồng phục, mang nhãn hiệu, màu sắc đặc trưng của từng sản phẩm. Chị HTM, xã Quang Chiểu (Mường Lát), nhân viên tiếp thị cho một hãng bia có tiếng trên thị trường nhờ biết cách ứng xử vui vẻ, tế nhị với khách hàng nên ngoài mức thu nhập cố định 1,5 triệu đồng/tháng, chị còn hưởng theo doanh số sản phẩm bán được hơn 5 triệu đồng/tháng. Chị M., cho biết: Tuy thu nhập khá, nhưng nghề này vất vả. Không những thế, nhiều người còn có định kiến với những người làm công việc nghề tiếp thị bia rượu.
Nghề tiếp thị không đòi hỏi yêu cầu khắt khe về bằng cấp, trình độ học vấn nhưng phải là người có sức khỏe, phương tiện và quan trọng nhất là phải có khả năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình giới thiệu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khi tuyển nhân viên tiếp thị thường phớt lờ đi các chế độ, chính sách của người lao động. Chính vì thế, các ngành chức năng cần điều tra, khảo sát để có cơ chế quản lý, yêu cầu các đơn vị sử dụng nhân viên tiếp thị bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách cho những người làm công việc này.
Xem thêm |