Gian lận thương mại gây thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng
|
Kiểm tra sơ khởi phát hiện 57 trường hợp nghi vấn
Nhiều năm qua, Việt Nam là nước xuất khẩu dẫn đầu về sợi 100% cotton vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng vài tháng gần đây, một hiện tượng “chảy ngược dòng” đang diễn ra. Theo đó, sợi Trung Quốc được ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam với mức giá rẻ ngoài sức tưởng tượng.
So sánh chi phí đầu vào với sản xuất tại Trung Quốc có thể thấy, sợi sản xuất tại Việt Nam lẽ ra phải ở “thế thượng phong”. Với giá nguyên liệu mua vào khoảng 21.000-24.000 đồng/kg xơ; chi phí nhân công xem như bằng nhau, khoảng 7.000-8.000 đồng/kg; chi phí điện tại Việt Nam chỉ bằng 50% tại Trung Quốc, từ 1.200-1.300 đồng/kwh; cộng với các chi phí chung khác… thì tổng đầu vào cho sản xuất 1 kg sợi từ 41.800-48.000 đồng. Thế nhưng, sợi Trung Quốc nhập về Việt Nam được khai báo với mức giá chỉ khoảng hơn 1/3 so với giá trong nước.
Sau khi nhận thông tin cung cấp từ giới DN về khả năng có hiện tượng gian lận thương mại để trốn thuế nhập khẩu với mặt hàng sợi, Cục Hải quan TPHCM đã kiểm tra trên hệ thống dữ liệu và sơ khởi phát hiện 57 DN nhập khẩu sợi với giá rất thấp, chỉ 0,8 USD/kg.
Trên thị trường sợi nội địa, cuộc cạnh tranh không cân sức, vì vậy đã diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho những nhà sản xuất khai báo nguyên liệu nhập khẩu với giá cao. Trước nay, khoảng 1/4 lượng sợi sản xuất ra được tiêu thụ ngay trong nước, nhưng đến nay có những DN sợi hầu như đã mất gần hết thị phần nội địa. Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt Đông Quan, thì DN này đã mất khoảng 30% doanh số trong vòng một năm qua.
Vải nhập khẩu cũng có dấu hiệu trốn thuế
Nếu như sợi bị cho có dấu hiệu trốn thuế nhập khẩu, thì mặt hàng vải thành phẩm đang bị nhiều DN cáo buộc trốn thuế VAT, mập mờ xuất xứ và thành phần khi buôn bán trên thị trường nội địa.
Ông Mao Hoàng Ngân, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Dệt Tường Long (Bình Dương) cho hay, cũng chưa hiểu vì sao vải nhập từ Trung Quốc lại rẻ như vậy. Một mét vải bán ra thị trường nội địa ít nhất phải từ 50.000- 60.000 đồng. Nhưng thông tin cho thấy giá bán vải Trung Quốc cho tiểu thương tại các chợ chuyên doanh chỉ 7.100 đồng/m.
“Sợi để dệt vải bán ra đã hơn 30.000 đến hơn 40.000 nghìn đồng/kg rồi, sao mà vải bán giá như thế được? Hiện chỉ những DN kinh doanh lành mạnh, cần hóa đơn đầu vào mới mua hàng của chúng tôi, còn lại người ta mua vải Trung Quốc hết. Chúng tôi không thể cạnh tranh nổi!”, ông Ngân chua chát nói.
Nhiểu loại vải Trung Quốc được bán cho tiểu thương tại các chợ chuyên doanh chỉ 7.100 đồng/m. Ảnh minh họa |
Giá tính thuế và mã số hàng hóa đang bị lợi dụng để gian lận
Tại sao người nhập khẩu có thể gian lận ngay từ khi đưa hàng về Việt Nam? Theo bà Phan Ngọc Mai Liêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan (thuộc Cục Hải quan TPHCM), gian lận thương mại về sợi theo các thông tin do giới DN cung cấp có liên quan đến 2 vấn đề chính, đó là mã số hàng hóa và giá kê khai để tính thuế khi làm thủ tục hải quan.
Vì vậy, bà Liêm cho rằng, các đơn vị hải quan “tuyến đầu” cần lưu ý ở những nhóm mặt hàng có nhiều loại mã số hàng hóa (mã HS) với nhiều loại thuế suất tương ứng khác nhau như mặt hàng sợi. Nếu cán bộ hải quan không phân biệt được chính xác là loại sợi nào thì đề nghị trưng cầu giám định bên thứ 3. Ngoài ra, cán bộ hải quan cần xem kỹ CO, xem CO có hợp lý không. Riêng phần khai báo của DN cũng cần rõ ràng, mô tả chi tiết hàng hóa, “không thể nói chung chung là vải cotton hoặc vải tồn kho, vải tính theo cân”.
Riêng về giá tính thuế, đại diện một công ty dệt đến từ Bình Dương cũng đồng tình rằng, có thể nói trình độ quản trị của DN nội địa yếu kém hơn, hoặc năng suất lao động công nhân không bằng thị trường Trung Quốc, nhưng để có mức giá rẻ như vậy cũng còn có những yếu tố liên quan khác, ví dụ như gian lận của những người nhập khẩu và kinh doanh vải trong kê khai thuế nhập khẩu hoặc thuế VAT.
Sẽ đưa mặt hàng sợi vào danh mục quản lý rủi ro về giá
Trước các kiến nghị từ giới DN vải, sợi, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM khẳng định, cơ quan này đã thiết lập đầu mối thu thập nguồn thông tin nhận tố cáo gian lận thương mại bảo đảm quy tắc bảo mật danh tính DN.
Cục Hải quan TPHCM cũng sẽ kiến nghị Tổng cục Hải quan đưa mặt hàng sợi vào Danh mục hàng hóa quản lý rủi ro về giá để tăng cường công tác kiểm tra từ khâu nhập khẩu.
Còn trước mắt, Cục sẽ tăng cường kiểm tra xác suất với nhóm mặt hàng sợi nhập khẩu. Thông tin cung cấp cũng phải chính xác và có trọng tâm, không tràn lan, vì cơ quan hải quan không thể đi ngược lại chủ trương tạo thuận lợi thương mại cho DN.
“Người báo cáo phải có sự trung thực và cạnh tranh lành mạnh, không phải muốn ép ai thì đẩy cho hải quan kiểm tra là được. Bởi nếu kiểm tra một lần mà không phát hiện được điều bất thường thì sau này chúng tôi sẽ không kiểm tra nữa. Chỉ tăng cường kiểm tra xác suất thôi”, ông Nghiệp khẳng định.
Liên quan đến hiện tượng trốn thuế VAT, hải quan TPHCM cho hay sẽ chuyển thông tin sang cục thuế các địa phương và cơ quan quản lý thị trường của Sở Công Thương để cùng phối hợp xử lý.
Đến cuối tháng 8 tới, hải quan TPHCM sẽ cùng ngồi lại với các bên liên quan để sơ kết xem hiện tượng gian lận thuế nhập khẩu, thuế VAT ở ngành kinh doanh vải, sợi đã giảm thế nào, từ đó có thêm giải pháp bổ sung nếu cần.
Hiệp hội Bông sợi Việt Nam ước tính mỗi năm kim ngạch xuất khẩu sợi cả nước đạt từ 3-4 tỷ USD.
Nằm trong 'danh sách gian lận Thương mại' của Mỹ: Việt Nam có đáng lo?
Việt Nam là nước đứng thứ 3 khu vực châu Á về thặng dư thương mại với Mỹ, liệu có đáng lo? |
Quản lý thị trường xử lý gần 105.000 vụ vi phạm trong năm 2016
Năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra hơn 167.000 vụ việc, phát hiện và xử lý vi phạm gần 105.000 ... |
Gần 23,6 nghìn vụ gian lận thương mại bị xử lý tính đến hết ngày 15/12
Đến hết ngày 15/12, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý gần 23,6 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng thu ... |