|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau 'sốt' đất

15:05 | 09/05/2019
Chia sẻ
Sau các động thái quyết liệt của chính quyền các cấp trong việc tháo dỡ hàng loạt ki-ốt giao dịch bất động sản (BĐS) trái phép, xác minh các đối tượng tung các tin đồn sai sự thật của giới “cò đất” nhằm đẩy giá đất lên cao…, gần 2 tháng nay, số lượng giao dịch đất đai giảm mạnh và số người đi về các khu vực “nóng” để săn lùng nhà, đất cũng thưa vắng.
Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau sốt đất - Ảnh 1.

Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và ổn định trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, giá đất nền vẫn còn rất cao. Trong khi đó, các chuyên gia và nhà môi giới BĐS đã chỉ ra sự bất thường trong đợt "sốt" đất vừa qua và tiếp tục bày tỏ sự đồng tình cũng như kiến nghị cần quản lý chặt thị trường BĐS.

Vùng ven hạ “sốt”

So với tình trạng “nóng” giá và giao dịch đất từ tháng 3, hiện nay, ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho hay, hiện nay, số lượng “cò” đất dẫn người đến xem, mua đất giảm dần và đến nay thì gần như không còn.

Bà Trần Thị Hà, một người dân ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến thông tin: “Gần đây, số lượng người tìm, hỏi mua đất chỉ còn 1-2 người, giảm hẳn rồi. Hơn 1 tháng qua ở trong thôn cũng không thấy có ai bán đất cả, chỉ có một số người hỏi mua với giá thấp hơn so với thời điểm “sốt” đất từ 100-200 triệu đồng/lô đất nên người dân không bán. Dù không có bán, mua đất, nhưng giá đất vẫn còn cao lắm, cao gấp 3-4 lần so với thời điểm này năm 2018”.

Ghi nhận ở một số khu vực “sốt” đất vừa qua như: Nam Hòa Xuân, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), Tây Bắc (quận Liên Chiểu), xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang)…, số lượng người tìm kiếm, hỏi mua đất rất ít. Đặc biệt, UBND quận Liên Chiểu đã thực hiện tháo dỡ gần 300 ki-ốt giao dịch BĐS được xây dựng và hoạt động trái phép, quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà tháo dỡ hơn 150 ki-ốt... Vì vậy, tình trạng giao dịch lộn xộn không còn diễn ra; giá đất ở các khu vực “nóng” nói trên cũng đã giảm từ 5-15%.

Bên cạnh đó, số lượt người làm thủ tục công chứng giao dịch đất đai ở các văn phòng công chứng cũng giảm hẳn. “Vào thời điểm “sốt” đất, văn phòng ngày nào cũng làm thủ tục công chứng chuyển nhượng đất đai hơn 100 trường hợp; nhưng nay thì số lượng người đến thưa vắng, ngày nhiều chỉ khoảng 30 trường hợp công chứng liên quan đến đất đai”, một nhân viên của Văn phòng Công chứng số 1 cho hay.

Trong khi đó, ông Phan Văn Thái, một nhà đầu tư BĐS ở quận Sơn Trà lo lắng: “Đà Nẵng vừa trải qua cơn “sốt” đất, thị trường đang chững lại và có thể sẽ “rớt”. Những nhà đầu tư nhỏ như tôi cũng khá lo lắng vì sợ lặp lại chu kỳ 10 năm khủng hoảng như trước đây và việc rà soát, siết chặt quản lý thị trường của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam làm thị trường gần như đang tạm dừng”.

Kiểm soát sự bất thường của “sốt” đất

Hiện tượng “sốt” đất xuất hiện ở một số khu vực của thành phố Đà Nẵng từ cuối tháng 12-2018 đến đầu tháng 3-2019, nhưng trong báo cáo tình hình giao dịch BĐS trong quý 1-2019, Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, thị trường BĐS Đà Nẵng rơi vào thời điểm trầm lắng. Theo đó, trong quý 1, tại Đà Nẵng không có dự án căn hộ nào được mở bán và cũng chỉ có 19 giao dịch căn hộ chung cư trung cấp (25-35 triệu đồng/m2), 18 giao dịch căn hộ chung cư cao cấp (giá trên 35 triệu đồng/m2). Cạnh đó, chỉ có lượng cung 100 nhà ở thấp tầng và chỉ có 64 giao dịch sản phẩm này…

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, TS Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết thêm, thị trường nhà, đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam được dư luận và báo chí đề cập rất nhiều, nhưng thực tế giao dịch thành công rất thấp. Tại Đà Nẵng, vừa qua, số giao dịch đất nền chỉ đạt chưa đầy 100 giao dịch thành công và điều đáng nói là giao dịch ở đây chủ yếu vẫn từ một phía, giữa các nhà đầu tư với nhau chứ khách hàng có nhu cầu thực thì chủ yếu vẫn nghe ngóng.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS và nhà ở xuất hiện hiện tượng “sốt” bất thường, thậm chí có hiện tượng tung tin, đẩy giá tạo bong bóng BĐS ở khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đều đã kiểm soát chặt chẽ.

“Gần đây, nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng, triển khai rà soát các dự án phát triển đô thị và BĐS nên có ảnh hưởng và giảm bớt nhịp độ, làm chững lại sự phát triển của thị trường BĐS. Tuy nhiên, việc thành phố rà soát, xem xét lại là cần thiết để có những kiến nghị điều chỉnh, có những chính sách đúng, phù hợp hơn, làm giảm đi sự phát triển “sốt” bất thường. Thị trường BĐS Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển tốt nên sẽ sớm phát triển trở lại theo hướng lành mạnh, bền vững”, ông Nguyễn Văn Đính nói.

Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau sốt đất - Ảnh 2.

Làng quê xã Hòa Tiến trở lại thanh bình sau "sốt" đất.

Ông Trần Đình Quốc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Phúc Đại Việt cho rằng: "Vừa rồi, thị trường xảy ra rất nhiều vấn đề, có nhiều đơn vị làm sai, nhiều thông tin sai trái, các cơ quan quản lý Nhà nước rà soát lại tất cả các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn để ổn định lại thị trường. Đồng thời, các sàn giao dịch cần định hướng lại hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn, rõ ràng hơn về nguồn thông tin để khách hàng yên tâm hơn về sản phẩm và đầu tư".

Ông Bùi Đức Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland cũng bày tỏ: “Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã siết chặt việc quản lý, ngăn chặn các “cò” đất thổi giá ở các vùng ven của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam. Hy vọng, trong thời gian tới khó xảy ra tình trạng như vừa rồi, vì nhà đầu tư tinh thông và đặc biệt là thị trường đang và sẽ tự loại thải ra những người môi giới, “cò” đất thổi giá. Nhưng trước hết, những nhà đầu tư cần tỉnh táo để nhận định và đầu tư đúng đắn”.

"Dự báo tình hình thị trường BĐS Đà Nẵng trong quý 2-2019 và 6 tháng cuối năm nay có thể ổn định và phát triển trở lại. Nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ tăng mạnh so với quý 1, nguồn cung chủ đạo tiếp tục là dòng sản phẩm căn hộ, trong đó chủ yếu là phân khúc bình dân và trung cấp. Số lượng giao dịch cũng sẽ tăng mạnh so với quý 1 bởi nguồn cung dồi dào, phong phú từ các dự án ra hàng. Giá bất động sản có thể tăng nhẹ ở mọi phân khúc..."

(Nguồn: Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam)


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khánh Hà (Bài và ảnh)

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.