Giám đốc phân tích VPS: Thị trường đã tạo đáy thành công, những gì xấu nhất đã qua, 2023 sẽ là thời điểm thị trường tích luỹ đi lên
2022 là năm thị trường chứng khoán biến động mạnh khi áp lực bán gia tăng trong quý II và quý III. Tuy nhiên, thị trường lại chứng kiến cú phục hồi mạnh trong cuối tháng 11, đầu tháng 12 và khối ngoại gia tăng mua ròng.
Bên cạnh đó, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều vụ xử lý mạnh tay những sai phạm trên thị trường chứng khoán và cũng đã có những ông chủ của doanh nghiệp lớn phải đối diện vòng lao lý.
Câu hỏi nhiều nhà đầ tư đặt ra lúc này là thị trường đã tạo đáy chưa? Năm 2023 thị trường sẽ ra sao?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Khánh,Giám đốc Phòng Phát triển Năng lực Đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS.
Cuối tháng 11, đầu tháng 12, thị trường chứng khoán chứng kiến cú lao dốc về quanh mốc 880 điểm sau đó nhanh chóng phục hồi về quanh mức 1.000 điểm. Theo ông thị trường chứng khoán đã tạo đáy hay chưa? Ông đánh giá thế nào về triển vọng 2023?
Ông Lê Đức Khánh: Năm 2022 là thời gian điều chỉnh của thị trường chứng khoán khi VN-Index giảm rơi từ mức 1.500 điểm xuống còn 880 điểm sau đó phục hồi lên khoảng 1.020 điểm. Những biến động về chính sách tiền tệ và thị trường bất động sản khiến dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Chưa kể thời gian qua lãi suất huy động tăng mạnh kéo theo dòng tiền chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều.
Giai đoạn này thị trường cũng đã tạo đáy ở vùng 880 hồi giữa tháng 11 và hiện đang tích luỹ ở vùng cao hơn. Kết thúc năm 2020, thị trường có thể ở quanh mức 1.150 điểm.
Năm 2023, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất nhưng tôi cho rằng phạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh. Lãi suất trong thời gian tới có thể tăng trong biên độ hẹp hơn. Mỹ sẽ đánh giá kỹ hơn bối cảnh vĩ mô để đánh giá có tiếp tục tăng lãi suất hay không. Mặc dù trong năm tới triển vọng không quá tích cực nhưng thị trường đã thoát đáy và dần phục hồi trở lại.
Dù những lo ngại suy thoái kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu nhưng nhìn chung các số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy Việt Nam vẫn đang giữ được đà tăng trưởng tốt 6 - 6,5%, thu hút dòng tiền đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Chỉ số P/E của thị trường quanh vùng 10,5 cũng là mức hấp dẫn, định giá của nhiều cổ phiếu có cơ bản tốt vẫn đang rẻ.
Dòng tiền khối ngoại đang quay trở lại thị trường từ tháng 11 đến nay và khối lượng mua ròng tương đối mạnh. Thanh khoản thị trường chung cũng tăng. Do vậy, những gì xấu nhất của thị trường cũng đã qua và đây là giai đoạn tích luỹ đi lên, hướng tới đỉnh cũ trong năm mới. Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư giá trị đang tìm kiếm những cổ phiếu tốt nhưng đang bị định giá thấp.
Ông có đề cập tới việc khối ngoại mạnh tay mua ròng nhưng chiều ngược tại, nhà đầu tư cá nhân lại đang bán ròng. Vậy lý do của điều này là gì, thưa ông?
Ông Lê Đức Khánh: Có nhiều lý do để giải thích hiện tượng này đặc biệt là trong năm nay khi có nhiều biến động về thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất khiến dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân rút ra khỏi thị trường và quay trở về kênh tiết kiệm.
Trong khi đó, một số quỹ có động thái chốt NAV cuối năm, bán những khoảng đầu tư xấu để làm đẹp danh mục và lên kế hoạch giải ngân trong năm tới. Ngoài ra, một số nhà đầu tư bị khủng hoảng niềm tin dẫn đến việc bán cổ phiếu hoặc giao dịch cầm chừng. Các cổ phiếu bị cầm cố thời gian qua cũng bị bán giải chấp nhiều.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy cơ hội khi nhiều cổ phiếu tốt có định giá rẻ và kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang ổn định nên có động thái mua ròng.
Cuối năm thường thị trường không được tích cực. Tuy nhiên, sang đầu năm tới, dòng tiền có thể ổn định hơn và các nhà đầu tư cá nhân sẽ tham gia vào. Sang tháng 1, cổ phiếu vừa và nhỏ thường có xu hướng tăng tốt hơn.
Vừa rồi nhiều công ty chứng khoán đã tăng lãi suất vay ký quỹ (margin) liệu điều này có ảnh hưởng đến thanh khoản trong thời gian tới hay không, thưa ông?
Ông Lê Đức Khánh: Tôi cho rằng việc tăng lãi vay ký quỹ (margin) không ảnh hưởng đến thanh khoản trong thời gian tới. Bản chất các nhà đầu tư là quan tâm đến cơ hội nào? Thị trường có sóng không? Thị trường đang điều chỉnh hay đi lên? hơn là quan tâm đến câu chuyện lãi vay ký quỹ.
Hiện nhà đầu tư đang bị khủng hoảng niềm tin vào kênh trái phiếu, bất động sản, cổ phiếu và dòng tiền bị hút về kênh tiền gửi khi lãi suất tăng.
Điều này ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường, cổ phiếu suy giảm. Giai đoạn tới cần trông chờ nhiều hơn về câu chuyện ổn định vĩ mô hay động thái của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ nới lỏng dần, lạm phát và lãi suất tạo đỉnh. Khi niềm tin quay trở lại, nhà đầu tư quay trở lại và thanh khoản gia tăng. Bên cạnh đó, khi dòng tiền khối ngoại chảy vào thị trường mạnh mẽ hơn nữa thì nhà đầu tư trong nước bắt đầu tự tin giải ngân hơn và chúng ta bước vào con sóng phục hồi.
Năm 2023 được kỳ vọng là năm của phục hồi, vậy theo ông đâu là những dòng dẫn dắt thị trường?
Ông Lê Đức Khánh: Thông thường là nhóm vốn hoá lớn như ngân hàng, chúng, năng lượng dầu khí. Trong đó cần chú ý đến các nhóm "nhạy" với diễn biến của thị trường chung và các thay đổi về chính sách như tài chính, chứng khoán, ngân hàng Chắc chắn trong năm tới nếu thị trường hồi phục thì những nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng cần lưu ý.
Bên cạnh đó, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng cần chú ý vì nhóm này có thể có kết quả kinh doanh triển vọng tốt. Tuy nhiên, không phải tất cả cổ phiếu nhóm này có triển vọng tốt mà cần có sự chọn lọc trong năm tới, cần chú những cổ phiếu cơ bản tốt.
Nhóm năng lượng dầu khí là nhóm tôi đánh giá cao vì giá dầu thô được dự báo tiếp tục duy trì trên 80 USD/thùng trong thời gian tới và nhóm này cũng mang tính chu kỳ, hứa hẹn dẫn sóng trong năm 2023. Có thể chỉ số chung của thị trường không tăng mạnh nhưng các nhóm ngành đặc thù như năng lượng, dầu khí cũng có thể có cơ hội tăng tốt.
Ngoài ra, nhóm hoá chất cũng hứa hẹn mặc dù tăng trưởng bất đầu chững lại nhưng vẫn có kết quả kinh doanh khởi sắc.
Các nhóm liên quan đến xuất khẩu như dệt may, thuỷ sản cũng có thể lọt vào danh sách theo dõi trong năm tới do nhóm này được kỳ vọng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế thế giới dần phục hồi.
Xin chân thành cảm ơn ông!