|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Giám đốc Hanoitourist đề xuất khép kín chu trình tour cho du khách quốc tế để đảm bảo an toàn

16:24 | 03/07/2020
Chia sẻ
Để đón khách du lịch quốc tế trở lại sau dịch COVID-19, Việt Nam cần tạo ấn tượng là điểm đến an toàn cũng như có những sản phẩm du lịch đặc sắc với mức giá cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, trước khi họ chọn đến những quốc gia khác, theo giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist.

Mở cửa thị trường quốc tế cần đảm bảo yếu tố an toàn

Mở thị trường quốc tế là yêu cầu tất yếu để phục hồi thị trường du lịch và phát triển kinh tế. Mặc dù Việt Nam đang là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng chính phủ vẫn chưa ấn định thời điểm rõ ràng cho việc mở cửa thị trường quốc tế.

Dù vậy, ngành du lịch cũng cần chuẩn bị kĩ lưỡng về phương án đón khách du lịch trở lại ngay từ bây giờ.

Ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - phát biểu: "Hiện nay, Việt Nam nổi lên là một điểm đến an toàn. Do đó, nhiều nước sẽ muốn nối lại đường bay với Việt Nam. Tuy nhiên, khi mở lại đường bay đón khách quốc tế, chúng ta vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn".

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist: Có thể khép kín chu trình tour cho khách quốc tế để đảm bảo an toàn - Ảnh 1.

Ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam. Ảnh: Vietnamtourist.

Quan điểm của ông Thắng là Việt Nam không nên mở ồ ạt một lúc bởi mỗi đường bay thường phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Trước mắt, chúng ta nên giải quyết cho những dòng khách quan trọng, bắt buộc phải di chuyển như ngoại giao, các nhà đầu tư, thương mại, du học rồi mới nới lỏng về du lịch.

Theo ông Thắng, khi mở cửa đường bay quốc tế, Việt Nam nên đón du khách ở những thị trường an toàn, xác định những quốc gia kiểm soát dịch tốt và chọn lọc các đường bay quốc tế đến Việt Nam để vừa thu hút khách vừa kiểm soát dịch bệnh.

Với những thị trường đã đảm bảo an toàn, Việt Nam vẫn phải xây dựng tiêu chí để kiểm soát tốt dịch bệnh, vì với một đường bay, chúng ta có thể đón du khách từ các thị trường trung chuyển vào Việt Nam.

"Để an toàn nhất, chúng ta nên ưu tiên khai thác các chuyến bay thẳng từ điểm an toàn đến Việt Nam", ông Thắng cho hay.

Đồng thời, Việt Nam cần tạo cho du khách quốc tế ấn tượng về điểm đến an toàn từ khâu vận chuyển, lưu trú đến ăn uống, qui trình thủ tục. Ngành du lịch cần liên kết chặt chẽ với ngành y tế để Việt Nam có thể đón khách quốc tế an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Đối với những đoàn khách quốc tế đến từ vùng an toàn, khi sang Việt Nam, chúng ta có thể khép kín chu trình tour để đảm bảo an toàn.

Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nói

"Chúng ta có thể xem xét đến những du khách sang Việt Nam chỉ để nghỉ dưỡng, không có nhu cầu đi lại nhiều. Ví dụ, đa số du khách Nga sang Việt Nam chỉ nghỉ dưỡng và tắm biển, khách Hàn Quốc thường thuê cả chuyến bay để sang Việt Nam chơi gofl và chỉ ở trong khoảng 2-3 ngày", ông Thắng nói.

Những du khách này, theo ông, thường chỉ ở trong một khu vực nhất định, nên những điểm lưu trú, nghỉ dưỡng của họ giống như nơi cách li. Những nhân viên phục vụ tại đó sẽ phối hợp với ngành Y tế để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh".

Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cũng nhận định, một điểm lưu trú có thể chỉ đón riêng từng chuyến bay để đảm bảo an toàn. "Một chuyến bay thường có 300 – 350 khách, rất phù hợp với khu nghỉ dưỡng có khoảng 150-200 phòng nghỉ", ông Thắng nói thêm. 

Đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng để hút khách quốc tế

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những điểm đến an toàn nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Do đó, đây sẽ là lợi thế để Việt Nam trở thành là một trong số quốc gia khôi phục nhanh thị trường quốc tế hơn so với nhiều nước khác.

Khi mở cửa quốc tế, những thị trường có mức độ dịch an toàn, đường bay ngắn như thị trường Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ hồi phục trước.

Mặt khác, tiềm năng du lịch Việt Nam còn rất lớn. "Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2019 ước đạt 18 triệu lượt khách chưa phải là những con số nhiều so với tiềm năng du lịch và khả năng có thể đón của nước ta", ông Thắng lập luận.

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist: Có thể khép kín chu trình tour cho khách quốc tế để đảm bảo an toàn - Ảnh 3.

Khách quốc tế đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 2. Ảnh: Phương Linh.

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng nền văn hóa, ẩm thực đặc sắc, Việt Nam phải xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn với mức giá cạnh tranh để thu hút khách quốc tế trước khi họ lựa chọn đến những quốc gia khác.

Để có thể đạt mục tiêu ấy, ông Thắng cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để xây dựng sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cần làm nổi bật thông điệp về điểm đến an toàn. Yếu tố an toàn kết hợp với sự ưu việt về giá cả và sự chuyên nghiệp về dịch vụ sẽ tạo thành một sản phẩm có tính thuyết phục mạnh mẽ để khách quốc tế quyết định đến Việt Nam.

"Sản phẩm du lịch dành cho khách quốc tế sẽ khác so với trước đây. Đa số khách nước ngoài sang Việt Nam thường thích khám phá, trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương. Tuy nhiên, lúc này tạm thời chỉ nên tập trung đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương", ông nhận xét.

Một điều nữa mà ông Thắng lưu ý là Việt Nam cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận, di chuyển tới tham quan.

"Do đó, việc đơn giản hóa thủ tục visa điện tử là cần thiết để thu hút du khách quốc tế trở lại, nhưng điều đó không có nghĩa là nới lỏng chính sách thị thực. Bởi, chính sách visa là chính sách mang tính dài hạn, nó phụ thuộc quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia khác nên cần phải có lộ trình rõ ràng", ông nói.

Phương Linh

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.