|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc bỏ việc lương cao và khởi nghiệp để cứu con tự kỉ

11:38 | 31/01/2019
Chia sẻ
Một người đàn ông ở Malaysia khởi nghiệp để có nhiều thời gian bên con, giúp con học những kĩ năng sinh tồn cơ bản, đồng thời giúp nhiều người tự kỉ khác.
giam doc bo viec luong cao va khoi nghiep de cuu con tu ki Các doanh nghiệp đang tìm kiếm nhân viên tận tụy nên cân nhắc về những gì người tự kỉ có thể mang lại

Mohd Adli Yahya - một người đàn ông sống ở thành phố Puchong, Malaysia - may mắn trong sự nghiệp. Ông từng là giám đốc điều hành Quỹ Standard Charted. Song điều không may là ông có một cậu con trai mắc chứng tự kỉ.

"Vợ và tôi luôn lo lắng về tương lai của đứa con tự kỉ vì chúng tôi không có nhiều thời gian bên con. Mặc dù tôi có 6 con, song 5 đứa kia đều phải lo cho cuộc sống riêng của chúng. Khi chúng tôi qua đời, thằng bé tự kỉ sẽ sống ra sao, ai sẽ chăm sóc nó?", người đàn ông 52 tuổi thổ lộ.

giam doc bo viec luong cao va khoi nghiep de cuu con tu ki
Luqman, chàng thanh niên 19 tuổi, rửa đĩa trong quán cà phê do cha của anh thành lập. Ảnh: Royak Daily.

Không chỉ mắc chứng tự kỉ, Luqman, đứa con trai 19 tuổi của Mohd, còn không thể nói. Mohd hiểu cơ hội để con kiếm một công việc để tự nuôi sống bản thân là rất thấp.

Hành trình khởi nghiệp để cứu con tự kỉ

Với nỗi trăn trở ấy, Mohd quyết định thôi việc vào năm 2016 để thành lập Dự án Cà phê tự kỷ (Autism Cafe Project) vào tháng 8 cùng năm tại Puchong. Ông muốn giúp những người cha, người mẹ và cộng đồng hiểu hơn về chứng tự kỷ. Sứ mệnh chính của dự án là giúp người tự kỷ học những kỹ năng cần thiết trong ngành ẩm thực.

"Dự án tạo ra không gian an toàn để Luqman học các kỹ năng và giúp nó có mài dũa khả năng tự lập cơ bản", người cha nói.

Ngoài thực phẩm, đồ uống, Mohd còn bán áo phông và nhiều mặt hàng khác để tăng doanh thu. Rất nhiều thực khách đã mua hàng để ủng hộ ông.

Chưa đầy nửa năm sau khi ra đời, Autism Cafe Project đã tiếp nhận 11 thanh niên tự kỉ. Họ làm việc cho dự án và nhận mức lương cố định hàng tháng. Sau 6 tháng, họ sẽ rời khỏi quán để tái hòa nhập cộng đồng.

Ân hận vì từng đối xử tệ với con

Khi Luqman mới vào giai đoạn tập đi, chứng tự kỷ của anh đã tạo hố sâu ngăn cách giữa hai cha con. Mohd thường xuyên mắng, trừng phạt con rất hà khắc. Đến tận bây giờ ông vẫn còn cảm thấy day dứt khi nhớ lại những hình phạt mà Luqman phải chịu. Không am hiểu về tự kỉ, ông cảm thấy bất lực và thất vọng về con.

giam doc bo viec luong cao va khoi nghiep de cuu con tu ki
Nhờ tự kinh doanh, ông Mohd có thêm rất nhiều thời gian bên con trai để giúp anh tích lũy kỹ năng sống. Ảnh: Royak Daily.

Hiện nay, Luqman đã gần gũi cha hơn rất nhiều so với hồi ông còn làm thuê. Nhờ dự án, Mohd có nhiều thời gian bên con để giúp chàng trai phát triển những kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, ông cũng mở một tiệm bán cơm đặc sản để Luqman và những thanh niên đồng cảnh ngộ có thêm cơ hội tương tác với mọi người.

Thành tựu nhỏ, niềm vui lớn

"Khi Luqman tự gói một suất cơm để giao cho khách, đó là thành tựu rất lớn của nó, và mở toang cánh cửa hy vọng cho vợ chồng tôi", Mohd phát biểu.

Người cha 52 tuổi hi vọng xã hội sẽ hiểu và chấp nhận cộng đồng người tự kỉ hơn nhờ những tương tác nhỏ như bán hàng, phục vụ cơm.

"Ước nguyện của tôi là dư luận đừng coi những người tự kỉ là cộng đồng vô dụng, bởi định kiến ấy sẽ khiến họ tuyệt vọng. Một thế giới mới sẽ mở ra trước mắt họ nếu mọi người nhìn nhận họ là những cá nhân có tiềm năng", ông bình luận.

Xem thêm

Nhạc Dương