|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải pháp nào cho Việt Nam trong 'cuộc chiến' thép?

10:50 | 21/02/2018
Chia sẻ
Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất một số lựa chọn chính sách cho Tổng thống Trump gồm đánh thuế cao hoặc áp hạn ngạch lên thép và nhôm nhập khẩu từ thế giới vào Mỹ. Nếu các lời đề xuất này được lựa chọn, hoạt động xuất khẩu thép (và nhôm) của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh, bởi mức thuế dự kiến sẽ tăng rất cao so với hiện tại hoặc bị giới hạn bởi hạn ngạch (thấp hơn lượng nhập khẩu năm 2017).
giai phap nao cho viet nam trong cuoc chien thep Giá kim loại hôm nay (21/2): Giá đồng giảm do đồng USD mạnh lên
giai phap nao cho viet nam trong cuoc chien thep Ngành thép Nhật Bản 'lo sợ' trước quyết định hạn chế nhập khẩu của Hoa Kỳ
giai phap nao cho viet nam trong cuoc chien thep Một số cổ phiếu ngành thép có cơ hội được định giá lại

Cụ thể, về xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ, nếu như năm 2014, Việt Nam mới chỉ xuất được 35 ngàn tấn sắt thép các loại sang Mỹ trong tổng số 2,6 triệu tấn xuất khẩu ra thế giới trong năm đó (chiếm 1,3% trong tổng lượng sắt thép Việt Nam xuất ra thế giới). Nhưng con số này đã nhảy vọt lên nhiều lần trong năm 2015 (207 ngàn tấn và 8,1%) và đặc biệt là năm 2016 (931 ngàn tấn và 26,8%) trước khi dịu đi vào năm 2017 (523 ngàn tấn và 11,1%).

giai phap nao cho viet nam trong cuoc chien thep
Xuất khẩu sắt thép và kim loại của Việt Nam sang Mỹ và ra thế giới. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Cần lưu ý rằng năm 2015 và 2016 là thời kỳ khó khăn của ngành thép thế giới, chủ yếu bị tác động mạnh bởi sản lượng dư thừa quá lớn của Trung Quốc, buộc nước này tìm đường xuất khẩu ra thế giới, gây áp lực giảm giá sắt thép toàn cầu, đẩy không ít nhà sản xuất thép thế giới lâm vào cảnh thua lỗ trầm trọng. Chính phủ một số nước đã phản ứng lại cơn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng các biện pháp thuế quan hà khắc hơn lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sau đó, một số nước như Mỹ và EU đã cáo buộc Trung Quốc “lách” các hàng rào thuế quan này bằng cách “mượn đường”, xuất khẩu thông qua một nước thứ ba, nơi được hưởng mức thuế thông thường khi xuất khẩu vào Mỹ. Việt Nam nổi lên như là một trong những điểm trung chuyển cho thép Trung Quốc trước khi vào các thị trường này, theo các cáo buộc của họ.

Quả thật, khó có thể giải thích một cách thỏa đáng sự tăng vọt về lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong các năm 2015-16 vào Mỹ bởi năng lực sản xuất của các nhà sản xuất trong nước trong những năm này không có thay đổi đột biến, trong khi nhu cầu trong nước vẫn tăng trưởng khả quan. Và cũng là một sự trùng hợp “thú vị” khi nhập khẩu sắt thép cả Trung Quốc vào Việt Nam trong những năm này cũng tăng mạnh đến mức mà Việt Nam cũng phải xem xét và áp đặt một số biện pháp bảo hộ thép nội địa. Nên cũng khó có thể phủ nhận hoàn toàn khả năng một con số không nhỏ trong lượng sắt thép xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam là có nguồn gốc từ thép Trung Quốc, ngoài khả năng nữa là có nhà sản xuất Việt Nam đã bán phá giá sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ. Đây chính là những lý do để Mỹ đã và đang tiếp tục xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt lên thép xuất khẩu từ Việt Nam.

giai phap nao cho viet nam trong cuoc chien thep
Hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ có thể bị ảnh hưởng mạnh nếu bị đánh thuế cao hoặc áp hạn ngạch nhập khẩu. Ảnh minh họa: TBKTSG.

Trước viễn cảnh đối mặt với những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, Việt Nam khó có thể (hoặc không nên) học tập Trung Quốc hoặc một số nước khác đe dọa trả đũa Mỹ bằng các biện pháp tương tự áp lên hàng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam. Bởi, trước tiên, Việt Nam phải chứng minh là “vô tội”, toàn bộ lượng thép xuất khẩu sang Mỹ là có nguồn gốc nội địa (luyện và gia công tại Việt Nam) chứ không phải chỉ là nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc một nước nào đó rồi chế biến “qua loa” để xuất đi. Và các nhà sản xuất Việt Nam cũng phải chứng minh là sản phẩm của họ có giá thành rất cạnh tranh dù tuân thủ theo các điều kiện thị trường.

Tiếp đó, nếu Việt Nam muốn trả đũa thì cần hiểu rằng Việt Nam đang xuất siêu quá lớn với Mỹ (năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 9,2 tỉ đô la từ Mỹ trong khi xuất khẩu sang Mỹ tới 41,6 tỉ đô la trên tổng số 214 tỉ đô la tổng kim ngạch xuất khẩu). Nói cách khác, thị trường Mỹ quá lớn, quá quan trọng với Việt Nam để Việt Nam chơi đòn ăn miếng trả miếng với Mỹ.

Ngoài ra, một cuộc chiến thương mại với Mỹ như cách các nước lớn khác thực hiện sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam trên giác độ là nó làm tăng chi phí nhập khẩu cho nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam. Sẽ có người lập luận rằng phần chi phí tăng lên này sẽ chảy vào ngân sách nhà nước dưới dạng thuế nhập khẩu nên chung quy lại thì cũng không thiệt thòi gì nhiều lắm.

Lập luận này dù có thể đúng một phần nào đó nhưng nhà sản xuất và nhập khẩu chắc chắn vẫn sẽ phản ứng lại bằng cách chuyển sang nhập khẩu các mặt hàng tương ứng từ những nước khác có thuế nhập khẩu thấp hơn. Nhưng do bởi tổng chi phí nhập khẩu về đến Việt Nam từ những nước khác sẽ vẫn cao hơn (do giá bán ban đầu cao hơn so với giá bán ở Mỹ, giả sử chất lượng tương đương) nên rốt cuộc chi phí sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam vẫn bị đội lên, tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, trong khi lạm phát trong nước chịu áp lực tăng lên.

Trong bối cảnh này, điều Việt Nam có thể làm được là dùng giải pháp “mềm”, chứng minh cho Mỹ thấy sắt thép xuất khẩu của Việt Nam trên cơ sở cạnh tranh công bằng, có đầy đủ yếu tố thị trường, không phá giá, không gian lận thương mại (gồm để thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam)… Về phía mình, Việt Nam cũng phải thắt chặt kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và trừng phạt nặng tay những nhà sản xuất, xuất khẩu vi phạm.

Nếu đã thực sự chắc chắn làm tốt mọi điều mà Mỹ vẫn cố tình áp đặt trừng phạt lên sắt thép xuất khẩu của Việt Nam thì lúc này chỉ còn cách khả thi là kiện Mỹ ra WTO mà thôi.

Phan Minh Ngọc