Giải mã việc nhiều thành phố Trung Quốc chìm trong tăm tối khi đêm về
Trung Quốc là khách "sộp" của ngành than Australia
CNBC dẫn lời các nhà phân tích cho biết giá than tại Trung Quốc đang tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Do thiếu than để sản xuất điện năng, khá nhiều thành phố lớn không có đủ điện tiêu dùng và đành phải chìm vào bóng tối khi đêm đến.
Sự việc trên xảy ra sau khi căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Canberra leo thang, khiến một số chuyên gia liên kết tình trạng thiếu hụt than và mất điện tại Trung Quốc với lệnh cấm không chính thức mà Trung Quốc áp dụng với than của Australia.
Mối quan hệ giữa hai đối tác truyền thống xấu đi vào đầu năm 2020 sau khi Australia yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Để đáp trả, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu áp lệnh hạn chế hoặc thuế quan cao ngất lên hàng loạt hàng hóa quan trọng của Australia, từ tôm hùm, rượu vang, bột mì đến than.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy điện hạn chế nhập khẩu than từ nước ngoài để kiềm chế giá than. Hiện tại, Bắc Kinh được cho là đã dỡ bỏ hạn chế này với hầu hết các nước ngoại trừ Australia.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho là đã đưa ra thông báo bằng miệng cho các công ty điện lực nhà nước và nhà máy sản xuất thép ngừng nhập khẩu than của Australia.
Trên thực tế, Trung Quốc là nước tiêu thụ và nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Nguồn than nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc là từ Australia, CNBC đưa tin. Dù đã cam kết theo đuổi năng lượng tái tạo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt điện than.
Trung Quốc còn là thị trường nhập khẩu than nhiệt lớn thứ hai của Australia. Than nhiệt là nguyên liệu được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện, khác với các loại khác như than để luyện kim.
Hạn chế nhập khẩu than dẫn đến mất điện?
Công ty nghiên cứu Wood Mackenzie dự đoán giá than tại Trung Quốc sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong giai đoạn nhu cầu cao điểm vào mùa đông. "Thị trường than nhiệt của Trung Quốc đang khá hỗn loạn, giá tăng vọt sau khi cơ quan chức năng tạm ngừng công bố chỉ số giá hàng ngày vào ngày 3/12", Wood Mackenzie cho hay.
Bản báo cáo của Wood Mackenzie cho biết do tình trạng thiếu điện, việc phân phối điện năng theo hạn mức "đã bắt đầu" ở các tỉnh Hồ Nam và Chiết Giang. Các nhà máy điện lực Trung Quốc ít có khả năng tăng sản lượng điện trong thời gian tới.
Lo ngại về khả năng cung ứng điện cho người dân bắt đầu trở nên nghiêm trọng vào tháng 12 năm ngoái. Một bài báo mạng được chia sẻ rộng rãi đã liệt kê cụ thể kế hoạch cúp điện của công ty điện lực Shanghai State Grid cho nhiều khu vực khác nhau của thành phố Thượng Hải vào ngày 22/12.
Shanghai State Grid cho biết thêm rằng các khu vực khác cũng đã phải hạn chế sử dụng điện.
Theo South China Morning Post (SCMP), từ giữa tháng 12, một số khu vực mà chủ yếu ở miền nam Trung Quốc, đã phải áp đặt giới hạn sử dụng điện ngoài giờ cao điểm cho các nhà máy. Ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, SCMP cho biết tình trạng mất điện kéo dài một tuần cũng xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau.
Ông Marcel Thieliant, nhà kinh tế cao cấp tại công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định, các vụ mất điện cho thấy "Trung Quốc sẵn sàng đối đầu trực diện với Australia".
Các nhà chức trách Trung Quốc không liên kết vấn đề mất điện với căng thẳng với Australia hay các hạn chế về nhập khẩu than. Thay vào đó, các quan chức cho rằng việc hạn chế sử dụng điện là do nhu cầu quá lớn và bảo trì hệ thống định kì.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc sử dụng nhiều điện hơn so với cùng kì năm 2019 khoảng 11%. NDRC cho biết, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, thời tiết mùa đông giá lạnh và nguồn cung hạn chế khiến một số khu vực phải hạn chế dùng điện.
Theo ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, nhập khẩu than trong tháng 11/2020 của Trung Quốc giảm 44% so với cùng kì năm ngoái.
Biến đổi trong dòng chảy thương mại Trung Quốc - Australia
Trung Quốc hiện đang tìm các nguồn thay thế cho than. Giới phân tích nhận định, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong dòng chảy thương mại trong bối cảnh than của Australia, một trong các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của đất nước châu Đại Dương, là nạn nhân mới nhất trong tranh chấp thương mại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết diễn biến mới có thể không tác động lớn đến nhu cầu chung đối với than của Australia vì Canberra sẽ tìm thấy các thị trường thay thế, chẳng hạn như Việt Nam.
Khi hạn chế nhập khẩu than từ Australia, Trung Quốc cũng sẽ tìm các đối tác mới như Mông Cổ, Canada và Nga. Tháng trước, Trung Quốc vừa kí một thỏa thuận với Indonesia để mua lượng than nhiệt trị giá 1,5 tỷ USD.
Dù vậy, Wood Mackenzie cho biết, Trung Quốc vẫn sẽ thiếu than vì một số nhà máy điện đang phải dùng đến than dự trữ và giá than Mông Cổ tăng lên khi Trung Quốc tìm đến thị trường này.
Trong năm 2021, ba khu vực sản xuất than chính của Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với áp lực lớn nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, Hiệp hội Công nghiệp Than Trung Quốc chia sẻ với tờ Economic Observer hồi cuối tháng 12.