“Giải mã” nguyên nhân trụ sở hơn 4.000 tỷ đồng của Bộ Ngoại giao chậm tiến độ
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Ngoại giao (đợt 6). Thời gian kiểm toán được tiến hành từ ngày 5/10/2016 đến 30/11/2016.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hồi tháng 10/2007 và được tách làm 2 dự án thành phần gồm: dự án chuẩn bị mặt bằng và dự án xây dựng công trình chính.
Dự án xây dựng trụ sở mới Bộ Ngoại giao nhằm đảo bảo điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan đầu não về đối ngoại.
Đây là dự án thuộc nhóm A, công trình cấp đặc biệt. Công trình chính có quy mô 14 tầng nổi, cao 78,9m và 1 tầng hầm. Diện tích xây dựng 16.282m2, tổng diện tích sàn 126.282m2 (không kể diện tích ngoài trời như khu vực để xe, thảm cỏ, khu thể thao giải trí và đường giao thông nội bộ). Dự án có sân đỗ trực thăng.
Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao vẫn đang trong quá trình triển khai
Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao được phê duyệt tại Quyết định số 1999 ngày 7/7/2009 của Bộ Ngoại giao với tổng mức đầu tư 3.484 tỷ đồng. Quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân như biến động giá cả vật tư, vật liệu xây dựng; tiền lương nhân công, tỷ giá… Bộ Ngoại giao đã ban hành Quyết định số 1394 ngày 14/7/2014 phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án giai đoạn 1 lên 4.022,7 tỷ đồng.
Trên cơ sở tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 được duyệt, Ban quản lý đã phê duyệt dự toán các gói thầu với tổng giá trị là 5.952,7 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt, dẫn đến Ban quản lý dự án ký các hợp đồng với tổng giá trị 4.688,9 tỷ đồng vượt tổng mức đầu tư.
KTNN cho biết, việc xác định cơ cấu chi phí các gói thầu trong tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 chưa hợp lý. Với việc xác định số lượng vật tư, thiết bị của các gói thầu để thi công và đưa vào sử dụng các hạng mục của dự án trong giai đoạn 1 như yêu cầu của Quyết định 1394 ngày 14/7/2014 chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án, dẫn đến việc số lượng vật tư thiết bị phải lắp đặt trong giai đoạn 1 vượt số lượng trong cơ cấu tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Cũng theo kết quả kiểm toán, việc phân chia và xác định số lượng vật tư thiết bị cần lắp đặt cho giai đoạn 1 theo yêu cầu phân kỳ đầu tư của dự án (do CTCP Công nghệ xây dựng và môi trường lập) không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tính đồng bộ của cả hệ thống. Vì vậy, nếu chỉ thi công theo tòa nhà thì thiết bị tổng thể không vận hành được, ảnh hưởng tới việc sử dụng tổng thể của dự án. Đến thời điểm kiểm toán, dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giai đoạn 1.
Dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, Ban quản lý dự án đã tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và tìm các biện pháp thực hiện.
Tuy nhiên, theo KTNN, tổng thể các gói thầu được kiểm toán đều bị chậm tiến độ. Trong đó, gói thầu TB-10 chậm 8 tháng, gói thầu TB-13 chậm 13 tháng; gói XL-07 chậm 60 tháng, gói TB06 chậm 5 tháng, gói TB12 chậm 7 tháng, gói XL-10 chậm 24 tháng, gói thầu TB09 chậm 22 tháng; XL-09 chậm 24 tháng; gói thầu XL-05 chậm 53 tháng; gói thầu XL14 chậm 55 tháng; gói thầu TB04 chậm 18 tháng.
Nguyên nhân chậm tiến độ được phân tích do điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, phân kỳ giai đoạn đầu tư và phụ thuộc vào tiến độ phân bổ kế hoạch vốn của dự án.
Nhìn chung, theo ghi nhận của KTNN, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của dự án. Hiện nay, dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, đến thời điểm kiểm toán giá trị thực hiện là 3.406 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 4.022 tỷ đồng, các công việc cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, KTNN cho rằng, việc xác định quy mô dự án và khả năng đáp ứng nguồn vốn đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án chưa hợp lý dẫn đến khi thực hiện dự án phải cắt giảm quy mô, kéo dài tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư.
Việc phân kỳ đầu tư dự án thành hai giai đoạn trong khi một số hạng mục dùng chung cho cả dự án đã xây dựng xong và một số hạng mục đang xây dựng dở dang dẫn đến việc làm giảm tính kinh tế và hiệu quả của dự án do chưa phát huy được hết hiệu quả sử dụng của các hạng mục đã xây dựng.
Công tác quản lý, thực hiện dự án còn một số sai sót dẫn đến phải điều chỉnh số liệu theo kết quả kiểm toán cũng làm ảnh hưởng đến tính kinh tế của dự án.
Với đợt kiểm toán này, KTNN đã kiến nghị xử lý về tài chính 260,6 tỷ đồng. Trong đó, giảm trừ thanh toán 40,6 tỷ đồng; xử lý khác, chưa đủ điều kiện quyết toán 220 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/