Giai đoạn mới của đại dịch: Hạn chế phong tỏa, vắc xin là 'chân lý'
Giờ đây, sau khi tiến hành chiến dịch tiêm chủng và dần thấy rõ được kết quả mà nó mang lại, Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang dần học cách sống chung với vi rút. Các ca bệnh và tử vong vì COVID-19 có dấu hiệu giảm dần chứng minh cho việc COVID-19 đang dần gia nhập vào hàng ngũ những căn bệnh mà chúng ta đã sống chung trong nhiều năm qua, Bloomberg đưa tin.
Trọng tâm hiện nay chính là học cách sống chung với vi rút và làm thế nào để tránh được tình trạng phong tỏa.
"Có thể chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn chỉ theo dõi số ca nhập viện", tiến sĩ Jennifer Nuzzo, chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm nguồn lực chống COVID-19 thuộc ĐH Johns Hopkins, nơi xây dựng một trong những nền tảng toàn diện nhất để theo dõi COVID-19, cho biết.
Những gì diễn ra tại nước Anh là một trong những ví dụ điển hình. Vào ngày 14/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trì hoãn việc mở cửa trở lại trong 4 tuần nhằm tạo điều kiện cho nhiều người trưởng thành tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai. Điều này phần nào chứng minh hiệu quả của vaccine trước những biến thể mới.
Tổ chức Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết, số ca mắc biến thể Delta đã tăng gấp đôi trong tuần qua. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng cao hơn do phần lớn bệnh nhân chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Tuy nhiên, kết quả thật sự của chiến dịch tiêm chủng và miễn dịch ở Anh vẫn phải dựa trên vấn đề liệu số ca nhập viện và tử vong có giảm xuống mức thấp hay không.
Nếu các ca nhập viện được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, COVID-19 sẽ không còn là một đại dịch không thể kiểm soát và sẽ dần giống như bệnh theo mùa như cúm. Đây cũng chính là mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách hướng đến.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã phát biểu với Quốc hội vào tuần trước rằng: "Chúng ta hướng tới việc sống chung với loại vi rút này giống như cách chúng ta sống chung với bệnh cúm".
Trong một diễn biến khác tại gần 20 tiểu bang của Mỹ, nhà chức trách đã giảm tần suất công bố các dữ liệu liên quan đến COVID-19. Tại bang Florida, giờ đây những báo cáo liên quan đến COVID-19 chỉ xuất hiện một tuần một lần. Các nhà dịch tễ học vẫn đang yêu cầu cung cấp dữ liệu một cách thường xuyên hơn, nhưng các nhà chức trách tại đây đang dần chuyển hướng trọng tâm sang những vấn đề khác.
Các nhà khoa học nhận định rằng, việc so sánh mức độ phổ biến của COVID-19 với cúm (căn bệnh khiến khoảng 650.000 người chết mỗi năm trên toàn cầu) sẽ là thước đo quan trọng vào mùa thu và mùa đông tới đây.
Đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 3,8 triệu người tử vong kể từ khi bùng phát toàn cầu vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, sẽ tới lúc những quốc gia đã được tiêm chủng đầy đủ có thể đối phó với những đợt bùng phát COVID-19 tương tự như cách mà họ đối phó với bệnh cúm và đưa ra những quyết định chính sách phù hợp.