|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải cứu gạo Việt

14:05 | 17/01/2017
Chia sẻ
30 năm qua, gạo Việt chỉ tập trung chạy theo sản lượng mà không đầu tư cho chất lượng.

Đừng tự hào với danh xưng “đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo”, giờ đây Việt Nam đang lép vế trước nhiều quốc gia trước đây chưa từng xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar...

Ngày càng thu hẹp

Gạo Việt đón một năm buồn vì sự sụt giảm cả sản lượng lẫn giá trị trong gần 10 năm qua. Chuyện này cũng dễ hiểu bởi gạo Việt chất lượng thấp, không có thương hiệu cộng thêm sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Nhiều thị trường vốn được coi là chủ lực như Trung Quốc đã sụt giảm hơn 35%. Nhiều công ty xuất khẩu gạo trong nước đã tháo chạy khỏi ngành này như Công ty Cổ phần Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, sau thời gian nỗ lực để xây dựng nhà máy, nguồn gạo tốt xuất khẩu thì quyết định từ bỏ ngành này, dù chi phí đầu tư trước đó không phải là nhỏ. Vĩnh Hoàn đã đúng bởi trong năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành thua lỗ, đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng vì không thể xuất khẩu gạo. Nhiều công ty giảm đến 40-45% sản lượng xuất khẩu so với năm trước.

Năm qua, nhiều thị trường vốn là bạn hàng thân thiết của Việt Nam như Philippines giảm 65%, Malaysia giảm 48%, Mỹ giảm 33%, những quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Singapore, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Hồng Kông đều đồng loạt giảm tiêu thụ gạo Việt Nam trong năm 2016. Như vậy, sản lượng xuất khẩu gạo cả năm thấp hơn tới 1,6 triệu tấn so với dự báo mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra từ đầu năm.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 đạt gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD, giảm 26% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với năm 2015. Trong khi đó, điện tại thị trường gạo thế giới đang gặp phải nhiều vấn đề như, nguồn cung gạo thế giới đã vượt cầu, đặc biệt là các đối thủ xuất khẩu đều có những ưu thế vượt mặt gạo Việt. Chẳng hạn, Myanmar, Pakistan bán gạo giá rẻ, còn Thái Lan, Campuchia có gạo thơm chất lượng cao. Trong khi, gạo Việt không có lợi thế gì so với những nước này.

Thêm vào đó, giá gạo trong nước ở mức cao, giá xuất khẩu lại thấp khiến doanh nghiệp bế tắc vì bán giá thấp thì lỗ, bán giá cao thì không ai mua.

Một giám đốc công ty gạo miền Tây chia sẻ, cả năm qua, Công ty không xuất khẩu được một hạt gạo nào. Gạo của Lào, Campuchia dù xuất khẩu ít hơn Việt Nam nhưng đã đi vào được thị trường khó tính nhất là Nhật. Còn gạo Việt chưa từng vào thị trường này.

giai cuu gao viet
Gạo xuất khẩu của Việt Nam cần một cuộc cách mạng mới. Ảnh: Sơn Phạm

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (IPSARD), ngành lúa gạo trong nước có chi phí sản xuất cao nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Ấn Độ và Campuchia. Tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành như cảng, đường… còn yếu khiến chi phí vận chuyển cao. “Đây là nút thắt cổ chai làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam”, ông Kiên đánh giá.

Gần 30 năm xuất khẩu, gạo Việt chỉ tập trung chạy theo sản lượng mà không đầu tư chất lượng và chỉ tập trung vào thị trường châu Á. Thời gian gần đây mới xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu nhưng bị trả về vì gặp phải vấn đề về thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, Campuchia mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo nhưng có 71% tổng lượng gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá cao.

7.000 tỉ đồng cho tầm nhìn gạo Việt

“76% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam xuất sang thị trường châu Á với giá thấp nên xuất nhiều nhưng lợi nhuận không nhiều”, ông Kiên nhấn mạnh. Chính vì thế, ngày càng nhiều hợp đồng gạo chạy sang các nước láng giềng. Theo thông tin mới nhất ngày 4.1.2017 vừa qua, Pakistan đã đề xuất với Myanmar về việc mua gạo cơ chế liên chính phủ.

Đây vốn là thị trường truyền thống của gạo Việt. Tuy nhiên, Myanmar đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu gạo và thị trường Pakistan là một trong những đích đến. Hiện nay, 80% sản lượng gạo xuất khẩu của Myanmar vào Trung Quốc, chủ yếu giao dịch qua biên giới. Còn lại là thị trường Indonesia, Singapore, những nước châu Âu, châu Phi, Nga và Brazil.

Việt Nam thua ngay cả những nước mới sản xuất gạo xuất khẩu vài năm như Campuchia. Họ làm lúa rất có khoa học, họ chọn giống đem triển lãm, và tham gia các cuộc thi quốc tế. Sau khi gạo Phka Romdoul liên tục có giải thưởng cao trên thế giới, Campuchia mới bắt đầu trồng đại trà và tỉ mỉ trong từng công đoạn, đánh bóng, tách màu để những hạt gạo phải trắng và thơm ngon nhất. Vì thế, gạo của Campuchia đã có chỗ đứng ở những thị trường khó tính nhất thế giới với giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường là 1.475 USD/tấn so với khoảng 890USD tấn. Trong khi gạo Việt Nam mặc cả từng giá mà vẫn khó tìm đơn hàng.

Thị trường xuất khẩu khó khăn, thị trường gạo trong nước cũng không mấy khá hơn. Trong nước, gần đây xuất hiện nhiều loại gạo Thái Lan, Nhật, Campuchia, Lào và Myanmar. Đặc biệt, gạo nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan tràn vào nước ta ngày càng nhiều. Đáng chú ý, gạo Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị vào Việt Nam. Trao đổi với báo chí mới đây, ông Ko Sang Goo, đại diện một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, chia sẻ: “Nghe việc mang gạo Hàn Quốc sang bán tại thị trường Việt Nam không ai tin vì Việt Nam vốn không thiếu gạo. Tuy nhiên, qua thời gian xuất khẩu thử nghiệm, gạo Hàn được tiêu thụ tốt ở Việt Nam cho dù giá gạo Hàn đắt gấp ba lần gạo Việt”.

Trước quá nhiều khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông qua Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, có 50% lượng gạo xuất khẩu sẽ có thương hiệu Việt, trong đó 30% là gạo đặc sản, gạo thơm. Bộ đã đưa ra lộ trình thực hiện và danh mục các dự án cần ưu tiên thực hiện từ năm 2017-2022 với tổng kinh phí vượt hơn 7.000 tỉ đồng.

Có đến 5.000 tỉ đồng là số chi phí dùng hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung Bộ. Ngay chiều tối ngày 4.1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đây là quy hoạch đã từng khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lao đao từ vài năm trước, với những quy định làm khó doanh nghiệp như: khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo, đã được chính thức bãi bỏ.

Gỡ bỏ khó khăn trong xuất khẩu gạo là giải pháp giúp ngành gạo tăng xuất khẩu trong thời gian tới. Đây được xem là động thái tiếp theo sau hàng loạt quyết định bãi bỏ và đơn giản hóa 123 thủ tục, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng. Bộ Công Thương đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm lại những thị trường đã mất. Tuy nhiên, trước mắt, để mở rộng cửa hơn cho gạo Việt xuất khẩu vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Thanh Hương

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.