Giải cứu dưa hấu, thịt heo sẽ còn tiếp diễn nếu nông dân kinh doanh như hiện nay
“Những hiện tượng trong những năm qua như được mùa mất giá, sản xuất dư thừa, không có thị trường tiêu thụ, giải cứu dưa hấu, giải cứu thịt heo,... sẽ còn tiếp diễn nếu các hộ nông dân tiếp tục sản xuất kinh doanh đơn lẻ cá thể như hiện nay”.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến về sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 vào sáng nay (6/12).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Vân) |
Thành quả chưa tương xứng tiềm năng
Cụ thể, theo ông Dũng, lời giải cho tất cả các bất cập nêu trên là phải tuyên truyền, thuyết phục bà con tham gia vào hợp tác xã (HTX). Đây là yêu cầu và xu thế tất yếu để hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững.
Nhận định về kết quả thi hành Luật HTX trong 4 năm qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX ngày càng hoạt động ổn định, có xu hướng phát triển. Doanh thu bình quân năm 2016 đạt trên 3 tỷ đồng/HTX, tăng 19,8% so với năm 2013.
Bên cạnh đó, thông qua HTX thì đời sống của thành viên và lao động trong HTX nâng cao đáng kể, từng bước cải thiện góp phần xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành Ủy TP. HCM cho rằng những thành quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vẫn còn một số tồn tại về cơ chế, chính sách, tổ chức hình thức kinh tế Nhà nước cũng như những hạn chế trong nội tại của HTX.
Cụ thể, một số quy định tính khả thi chưa cao dẫn đến khó triển khai, một số chính sách đã ban hành nhưng chưa đem lại hiệu quả thiết thực hay số lượng hộ nông dân nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế,...
Hơn nữa, nhiều HTX còn gặp khó khăn, hạn chế nội tại trong đó như vốn ít, cơ sở lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân một phần là do chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạp điều kiện cho kinh tế thị trường, HTX phát triển.
Bên cạnh đó, bộ máy quản lý Nhà nước về HTX chưa được kiện toàn theo yêu cầu, đội ngũ cán bộ tham mưu về quản lý nhà nước về htx chưa nắm được chuyên môn, thiếu thực tế, nên việc tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.
Tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn, bất ổn nên nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế.
Đồng tình với ông Dũng, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, HTX của một bộ phận cán bộ các cấp và nhân dân chưa đầy đủ, chưa hiểu đúng vai trò bản chất của htx kiểu mới.
Thêm nữa, vì phương thức sản xuất tự do nhỏ lẻ đã trở thành thói quen, giữ vai trò chủ đạo trong tư duy sản xuất của người nông dân. Trong khi đó, có rất ít mô hình liên kết sản xuất thành công có hiệu quả được tuyên truyền, nhân rộng.
Muốn thu nhập cao, vào hợp tác xã
Đặc biệt, tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định: “Muốn thu nhập cao hơn hãy vào hợp tác xã”.
Lấy ví dụ về TP. HCM, ông Nhân cho biết theo số liệu mới tổng kết, trong tổng sản phẩm nông nghiệp của TP. HCM thì 77% từ hộ cá thể và chỉ 5% từ HTX.
Đáng nói, hộ cá thể chỉ cung ứng nguồn giống nhưng không thể phát triển trong lâu dài mà phải là thành phần HTX.
Cho nên, ông Nhân nói: “Nếu yêu nông dân, thương nông dân thì phải phát triển HTX”.
“TP. HCM có số liệu rất tốt giữa năng suất của hộ trồng rau trong HTX và hộ ngoài HTX là năng suất chỉ chênh 0,7% nhưng giá của rau trồng trong HTX cao hơn tới 10%. Do đó, thu nhập của hộ nông dân trong HTX cũng cao hơn 35,7%”.
Hơn nữa, những hộ nông dân trong HTX còn giảm được 25% chi phí vì không bón nhiều phân, không dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiêu cũng có HTX đứng ra đầu tư nên người dân trong HTX được hưởng lợi nhiều mặt, ông Nhân giải thích.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tại các tỉnh thành trên cả nước như Đồng Tháp, Thanh Hóa,... đều cho biết mô hình HTX kiểu mới đang được áp dụng và thu hút nhiều bà con nông dân tham gia, cải thiện đáng kể điều kiện sống của các hộ nông dân và cả nền kinh tế nói chung.