|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giấc mơ trở thành kỳ lân của Giao Hàng Nhanh

15:38 | 21/08/2018
Chia sẻ
Sau 6 năm, Giao Hàng Nhanh đang đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng và nhóm sáng lập công ty tin rằng họ sẽ trở thành kỳ lân (công ty có trị giá trên một tỷ USD) trong vài năm tới.
 

Thành tích ấn tượng

Tháng 6/2012, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh (địa chỉ web là Giaohangnhanh.vn) ra đời từ quyết tâm, khí thế của một nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa, TP. Hồ Chí Minh. 7 chàng trai có chung đam mê công nghệ thông tin.

Sau một năm hoạt động, Giao Hàng Nhanh đã xây dựng mạng lưới 15 tỉnh thành với 825.000 đơn hàng, hơn 300 nhân viên. Năm tiếp theo, công ty lan tỏa dịch vụ lên 2 triệu đơn hàng, 1.000 nhân viên. Đến đầu năm 2015, mạng lưới trải dài 700 quận huyện, đạt 3,5 triệu đơn hàng, 2.000 nhân viên.

giac mo tro thanh start up ky lan cua giaohangnhanh
Giao diện website của Giao Hàng Nhanh.

Phát triển ấn tượng về quy mô, số lượng trong 3 năm đầu, nên Giao Hàng Nhanh quyết định chuyển hướng, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ. Công ty triển khai ứng dụng giao hàng Ahamove siêu tốc 60 phút nhằm mang đến khách hàng những giá trị tối ưu.

Sau gần 6 năm gia nhập thị trường, Giao Hàng Nhanh hiện là một trong ba doanh nghiệp giao nhận thương mại điện tử hiện diện tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Hệ thống khổng lồ sử dụng 15.000 nhân viên để tối đa tốc độ giao hàng. Trung bình, công ty xử lý 150.000 – 200.000 đơn hàng/ một ngày.

Với tốc độ tăng trưởng đáng “mơ ước”, Nguyễn Trần Thi – Tổng giám đốc Giao Hàng Nhanh - cảm thấy tự hào vì doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy thị trường thương mại điện tử, giúp người kinh doanh có thêm sự lựa chọn giao hàng.

Gian nan khởi nghiệp

Kinh doanh không phải con đường màu hồng. Để đạt thành tích như hôm nay, nhóm sáng lập Giao Hàng Nhanh đã gặp vô vàn khó khăn, thậm chí nhiều lần họ muốn từ bỏ.

Chia sẻ trong chương trình Quốc gia Khởi nghiệp gần đây, Trần Thi nói rằng, quá trình phác thảo kế hoạch diễn ra rất suôn sẻ, nhưng thực tế không phải mơ. Thời gian đầu thành lập, do là “người mới” nên công ty rất khó thuyết phục khách hàng. Hơn nữa, dịch vụ để lại ấn tượng không tốt nơi khách hàng vì nhân viên giao nhận đổi hàng, không đảm bảo đúng chất lượng sản phẩm giao cho người tiêu dùng.

giac mo tro thanh start up ky lan cua giaohangnhanh
Nguyễn Trần Thi - nhà đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh.

Suốt nửa năm đầu, Giao Hàng Nhanh có doanh thu 0 đồng, số lượng đơn hàng tỷ lệ nghịch với sự phát triển hệ thống vận hành. “Nhóm sáng lập vừa làm vừa lo tiền trả lương cho nhân viên. Nhiều lúc chúng tôi muốn từ bỏ, nhưng lại cố gắng xoay sở, tạo công ăn việc làm cho người lao động”, Thi thổ lộ.

Muốn công ty thay đổi theo hướng tích cực, nhóm sáng lập quyết định mời nhân sự cấp cao của “ông lớn” Amazon về. Mặc dù sự khác biệt trong văn hóa làm việc khiến nhiều nhân viên nghỉ việc, nhưng những người điều hành công ty có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh. Sau đó, các chỉ số phát triển doanh nghiệp tăng dần. Với việc áp dụng những chiến lược kinh doanh thông minh, Giao Hàng Nhanh dần đi vào quỹ đạo ổn định và ngày càng phát triển.

Quản trị rủi ro trong giao nhận

Các công ty giao nhận luôn đối mặt với áp lực buộc lớn nhanh, tăng trưởng chóng mặt. Nhưng khi đạt tốc độ phát triển tốt, họ phải tiếp tục giải quyết 3 vấn đề: quản lý rủi ro nếu tăng trưởng nóng, phát triển mạng lưới giao nhận và thích nghi thói quen thanh toán bằng tiền mặt thay vì trực tuyến của người tiêu dùng trong nước.

Dịch vụ Ahamove của Giao Hàng Nhanh phần nào giải quyết thách thức tăng trưởng nóng. Đây là nền tảng tuyển tài xế giao nhận.

“Ứng dụng vận hành tương tự mô hình gọi xe Grab. Tập khách hàng của chúng tôi trùng với tập khách hàng của Grab. Tuy nhiên, tài xế Grab hoạt động chủ yếu vào khung 7 - 9 giờ, nhưng hoạt động giao nhận diễn ra lúc 10 - 12 giờ. Như vậy, công ty vừa có đội ngũ nhân sự dự phòng vừa gia tăng thu nhập cho tài xế”, Thi cho biết.

Bên cạnh đối tác là trang thương mại điện tử, Giao Hàng Nhanh chủ động tìm kiếm khách hàng cá nhân. Bởi theo anh Thi, sự cân bằng giữa đơn hàng lớn và nhỏ lẻ sẽ giúp công ty phát triển bền vững. Thay vì tự xây dựng địa điểm giao nhận, doanh nghiệp hợp tác cùng chuỗi cửa hàng Vinmart, Circle K để mở rộng mạng lưới nhanh và tiết kiệm chi phí.

Số liệu thống kê từ Giao Hàng Nhanh cho thấy, 85% đơn hàng trong nước được thanh toán trực tiếp. Thi nhận định, hóa đơn điện tử luôn là trở ngại với người bán hàng, các đơn vị giao nhận do tâm lý không tin tưởng của khách hàng.

“Các cơ quan chức năng cần triển khai chính sách khuyến khích người tiêu dùng thanh toán điện tử. Mặt khác, doanh nghiệp nên có công nghệ để giải quyết bài toán này”, Thi nhấn mạnh.

Nắm bắt xu hướng người Việt thích sử dụng sản phẩm từ nước ngoài, Giao Hàng Nhanh đang xây dựng cầu nối giao nhận ra khắp các nước phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Đặc biệt, nhóm sáng lập tự tin công ty có thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành start-up kỳ lân (đạt trị giá trên một tỷ USD) trong 3 - 4 năm tới.

Xem thêm

Bùi Mến