Giấc mơ thành hiện thực của 'ngôi nhà chung' Airbnb
Trước khi chính thức ra mắt thị trường chứng khoán vào ngày 10/12 (theo giờ địa phương), nền tảng này đã tăng giá chào bán cổ phiếu lên 68 USD/cổ phiếu. Theo truyền thông Mỹ, mức chào bán trên sẽ giúp công ty huy động được khoảng 3,7 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Mức giá chào bán trên cao hơn nhiều so với biên độ 56-60 USD/cổ phiếu mà Airbnb mới điều chỉnh hôm 6/12.
Tuy nhiên, sau khi lên sàn giá cổ phiếu của Airbnb đã vọt lên 144,71 USD/cổ phiếu, nâng giá trị của công ty lên hơn 100 tỷ USD, vượt xa con số 47 tỷ USD ước tính trước đó. Airbnb được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq dưới mã "ABNB".
Trong một hồ sơ gửi đến các cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ, Airbnb đã khẳng định rằng mô hình chia sẻ nhà và phòng lưu trú của họ đã cho thấy sự "dẻo dai" trong cuộc khủng hoảng COVID-19 so với những loại hình kinh doanh khác.
Với lợi thế không đòi hỏi việc đầu tư vào các tài sản cố định và bất động sản, Airbnb nhấn mạnh mô hình kinh doanh độc đáo này mang lại những lợi ích cho cả chủ nhà lẫn khách du lịch muốn tìm kiếm môi trường an toàn trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Airbnb cũng tin rằng khi thế giới phục hồi sau đại dịch, nền tảng này sẽ giúp mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho hàng triệu người.
Ngược dòng lịch sử, Airbnb là công ty khởi nghiệp tại San Francisco (Mỹ) từ năm 2008, với mô hình kinh doanh ban đầu từ những chiếc đệm hơi và bữa ăn sáng. Ý tưởng này nảy sinh khi Joe Gebbia cùng một người bạn là Brian Chesky chuyển tới San Francisco từ New York.
Không có việc làm, họ gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà. Thời điểm đó, họ phát hiện ra tất cả các phòng khách sạn trong thành phố đều đã được đặt hết từ trước do hội nghị Thiết kế Công nghiệp địa phương đã thu hút rất nhiều khách tới San Francisco.
Nhận thẩy cơ hội kinh doanh từ đây, hai người đã bỏ tiền mua một vài chiếm đệm hơi, đồng thời thiết kế một trang web mang tên "AirBed and Breakfast" (Đệm hơi và bữa sáng). Dịch vụ của họ cung cấp cho du khách một nơi để ngủ nghỉ và ăn sáng với ngũ cốc. Họ tính phí 80 USD/đêm.
Những vị khách đầu tiên của "AirBed and Breakfast" là 1 người đàn ông Ấn Độ, 1 phụ nữ từ Boston và 1 người đàn ông từ Utah. Không lâu sau, Nathan Blecharczyk, sinh viên tốt nghiệp Harvard và là kiến trúc sư công nghệ thông tin, đã tham gia nhóm với tư cách là người đồng sáng lập thứ 3.
Tuy nhiên, thử thách lớn mà họ phải đối mặt là trang web chỉ có vẻn vẹn hai người dùng và một trong số đó là Chesky. Sau khi ra mắt, ngoài ba vị khách trên, họ chỉ nhận thêm được hai lượt đặt chỗ.
Ba nhà sáng lập thậm chí còn phải bán ngũ cốc để duy trì hoạt động công ty vì họ đang nợ hàng ngàn USD trong thẻ tín dụng và không có nhà đầu tư giúp đỡ. Một thời gian sau, họ cải nâng cấp trang web và ra mắt một lần nữa vào tháng 8/2008, ngay trước khi diễn ra Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ ở Denver.
Hơn 20.000 người tới dự khiến tất cả các khách sạn đều được đặt hết phòng. "AirBed and Breakfast" đã nhận được hơn 600 lượt đặt phòng, gần sát với mục tiêu phục vụ 1.000 người của các nhà sáng lập.
Để tiếp tục có tiền kinh doanh, bộ ba bắt đầu bán ngũ cốc theo chủ đề liên quan tới cuộc bầu cử. Họ kiếm được 30.000 USD từ những loại ngũ cốc "ăn theo" như Obama O's và Cap'n McCains. Tháng 1/2009, "AirBed and Breakfast" nhận được khoản tiền đầu tư đầu tiên trị giá 20.000 USD từ "vườn ươm" khởi nghiệp Y Combinator.
Lúc đó, họ mới chỉ kiếm được 200 USD/tuần từ dịch vụ của mình nên đã quyết định sử dụng số tiền trên để tới New York, thị trường lớn nhất tại Mỹ.
Sau khi khảo sát thị trường New York, "AirBed and Breakfast" đã nhận được nhiều lời đề nghị kinh doanh. Trọng tâm được thay đổi từ phục vụ riêng nhu cầu chia sẻ không gian ở chung sang phục vụ nhu cầu tìm kiếm tất cả các loại chỗ ở. Vào tháng 3/2009, công ty đổi tên thành Airbnb.
Thống kê đến thời điểm đó cho thấy Airbnb đã có 2.500 chỗ lưu trú và gần 10.000 người dùng. Nhận thấy tiềm năng phát triển của Airbnb, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 100 triệu USD cho công ty này, biến nó trở thành một startup kỳ lân ở Thung lũng Silicon với mức định giá 1 tỷ USD.
Ngày nay, Airbnb có 34 chi nhánh văn phòng trên khắp thế giới, cung cấp dịch vụ cho thuê phòng tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7 triệu phòng cho thuê. Ngoài kinh doanh, Airbnb cũng rất chú trọng đến vần đề thuế.
Công ty đã có hơn 400 thỏa thuận với các chính quyền địa phương để tự động hóa việc thu thuế du lịch, thu về hơn 2 tỷ USD tiền thuế liên quan thông qua những thỏa thuận này. Trải qua nhiều thăng trầm, Airbnb vẫn có thể trụ vững đến ngày nay để viết tiếp giấc mơ từ chiếc đệm hơi và bát ngũ cốc buổi sáng cách đây 12 năm.