|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Giấc mơ Mỹ' của VinFast

07:05 | 11/10/2022
Chia sẻ
Chinh phục hầu hết các ngành công nghiệp tại Việt Nam, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nuôi tham vọng lớn hơn là xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ.

Đường đến thị trường Mỹ

Đã tham gia vào rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, những người đứng đầu Tập đoàn Vingroup giờ đây đang đặt ra những mục tiêu cao hơn khi đơn vị kinh doanh ô tô của tập đoàn là VinFast chuyển hướng từ xe xăng sang theo điện, tờ Barron's của Mỹ, viết.

Hãng xe Việt, VinFast đã bàn giao những chiếc xe điện đầu tiên cho người tiêu dùng Việt Nam trong năm nay. Xe điện VinFast đã lăng bánh trên nhiều tỉnh, thành phố. Không dừng lại ở đó, VinFast còn nhắm mục tiêu tới thị trường nước ngoài khi mà sức hút từ thị trường Mỹ là quá khó để bỏ qua.

Thực tế, việc cạnh tranh tại Mỹ, một trong những thị trường ô tô nói chung và xe điện nói riêng lớn nhất thế giới là vô cùng khó khăn. Chính VinFast cũng đã thừa nhận điều này. Thị trường Mỹ cũng là quê nhà của Tesla, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

“Nếu chúng tôi có thể làm được điều gì đó tại Mỹ, chúng tôi có thể sẽ làm được những điều tương tự tại bất kỳ đâu”, CEO VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy chia sẻ với tờ AFP. Điều này ngầm khẳng định tầm quan trọng của thị trường Mỹ trong chiến lược toàn cầu của VinFast.

Bà Thủy nói thêm rằng: “Chúng tôi muốn cho những người có thể không hiểu đúng về Việt Nam hiểu rằng Việt Nam ngày nay hoàn toàn khác với Việt Nam ngày trước. Việt Nam đã có những bước chuyển mình trong 10 năm qua”.

Bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast toàn cầu tin rằng nếu VinFast có thể làm được điều gì đó tại Mỹ, công ty có thể làm được điều tương tự ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. (Ảnh: Barrons).

Theo AFP, mục tiêu giao xe điện cho người mua hàng ở Mỹ vào dịp Giáng sinh năm nay có vẻ vẫn là một nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Trái lại, VinFast đã ghi nhận những kết quả tương đối tích cực ở thị trường trong nước, và đã giao những chiếc VF e34 cùng VF 8 đầu tiên tới khách hàng.

Nhắc tới VinFast cũng là nhắc tới nhà máy lắp ráp ở Hải Phòng. Trong vòng hai năm, công ty đã biến một bãi đất ở Hải Phòng thành một tổ hợp lắp ráp ô tô hoàn chỉnh với khoảng 1.200 robot, máy móc của Nhật Bản, Đức, Thụy Điển,… cùng một đội ngũ chuyên gia từng có kinh nghiệm làm việc tại các công ty hàng đầu trong ngành ô tô như BMW, General Motors.

Đầu tư rất nhiều tiền

Vào tháng 7, VinFast đã mở 6 showroom ở California, bao gồm một showroom tại một trong những trung tâm thời thượng nhất ở Santa Monica. Hãng xe Việt có kế hoạch mở tổng cộng 30 showroom tại Mỹ vào cuối năm nay.

Công ty cũng đã động thổ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 2 tỷ USD ở Bắc Carolina. Theo các thông tin từ VinFast, nhà máy này có thể đạt công suất sản xuất khoảng 150.000 xe điện/năm khi hoàn thành và đi vào hoạt động.

Nhà máy của VinFast tại Bắc Carolina cũng có thể tạo ra hơn 7.000 việc làm mới, điều khiến chính Tổng thống Mỹ Joe Biden phải nhắc tới trong một dòng tweet đăng trên trang Twitter của Nhà Trắng vào tháng 3. "Tôi luôn nói đùa rằng ông ấy là nhân viên bán hàng giỏi nhất mà chúng tôi từng có vinh dự làm việc cùng”, bà Thủy nói về dòng tweet của ông Biden.

Để thu hút khách hàng, VinFast đang đẩy mạnh mô hình cho thuê pin hàng tháng cho hai mẫu xe điện sẽ được bán tại Mỹ là VF 8 và VF 9. Chính sách độc đáo này giúp giảm chi phí tổng thể mua xe điện. Giá khởi điểm của hai mẫu VF 8 và VF 9 tại Mỹ lần lượt là 42.000 USD và 57.000 USD.

Khi thời lượng pin giảm xuống 70%, VinFast cũng sẽ thay pin miễn phí. Chính sách này của hãng xe Việt nhằm mục đích thúc đẩy mọi người tái sử dụng hoặc tái chế pin cũ. "Lý thuyết đằng sau tất cả chính sách mà VinFast đưa ra là chúng tôi mong muốn đem đến cho bạn một chiếc xe có giá tương đương với xe động cơ đốt trong", bà Thủy giải thích.

Quy mô tham vọng của VinFast, mở rộng ra châu Âu, nơi họ dự kiến ​​mở 20 showroom đầu tiên vào cuối năm nay, đã khiến nhiều người trong giới kinh doanh “choáng váng”.

VinFast đã đầu tư nhiều cho "Giấc mơ Mỹ". (Ảnh: Barrons).

Khe cửa hẹp

Theo Karl Brauer, một nhà phân tích đang làm việc tại trang web so sánh xe nổi tiếng iSeeCars.com có trụ sở tại Los Angeles, người dân Mỹ có thể sẽ có những sự nghi ngờ trong một thời gian dài với các mẫu xe mới.

“Phải mất vài thập kỷ để các nhà sản xuất ô tô hoàn toàn mới tiến vào thị trường Mỹ và để lại ấn tượng rõ nét với người tiêu dùng của quốc gia này”, ông Karl Brauer nói, đồng thời nhắc tới Hyundai và Kia của Hàn Quốc như những ví dụ cụ thể. Những công ty này đã gặp khó khăn trong suốt những năm 90 và đầu những năm 2000 trước khi trở thành các hãng phổ biến nhất tại Mỹ.

“Nhận thức của người Mỹ về các thương hiệu xe mới có thể là "đây là một thương hiệu mà tôi chưa từng nghe qua, chưa từng có trải nghiệm và tôi không chắc mình có thể đặt niềm tin vào chất lượng của họ hay không", ông nói thêm.

Matthew Degen, chuyên viên cấp cao của Kelley Blue Book, một trang web nghiên cứu và mua sắm ô tô, cho biết: “Tốc độ chế tạo và bán một chiếc xe điện hoàn toàn mới ra toàn cầu của VinFast thật đáng ngạc nhiên. Thường phải mất nhiều năm để biến một chiếc ô tô từ một bản thiết kế trên giấy thành một sản phẩm mà bạn có thể trực tiếp cầm lái. VinFast đã làm điều này trong 21 tháng”.

Thị trường ô tô truyền thống đang bước vào giai đoạn bão hòa nên các nhà sản xuất xe điện và ô tô truyền thống đều đang nỗ lực tăng tốc để nắm lấy cơ hội cũng như tạo ra điểm nhấn trên một thị trường vẫn còn “tương đối mới”

Đối với chuyên gia Brauer, thành công của VinFast phần lớn sẽ đến từ thế hệ millennials (những người sinh ra từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990”. “Họ [VinFast] sẽ gặp rắc rối với những người trên 50 tuổi. Trái lại, người tiêu dùng trẻ tuổi ở Mỹ ngày càng cở mở với việc sử dụng trải nghiệm các phương tiện mới”, ông Brauer cho biết.

Anh Nguyễn