Giấc mơ kinh doanh thời trang của đôi bạn ngành luật
Ảnh minh họa. |
Thùy Dương và Lan Anh là sinh viên luật ở hai trường khác nhau tại TP HCM, quê ở Vũng Tàu, đều mê thời trang. Lan Anh có thâm niên làm đồ handmade từ nhỏ, Thùy Dương bắt đầu tham gia lớp thiết kế ngắn hạn vào năm 3 đại học. Họ tự lên mạng tìm tòi cách may, thêu và nắm bắt xu hướng, tự may cho bản thân rồi nghĩ đến việc mở shop thời trang online.
Cả hai đều nghĩ sẽ dễ dàng gây ấn tượng trên thị trường bằng cách đầu tư vào chất lượng nội dung và hình ảnh cho Facebook của shop online. Tuy nhiên, dù đã mua quảng cáo nhưng lượt like rất ít và không tìm được khách hàng nào.
Rất nhiều lời rỉ tai đã đến với họ, rằng phải có ít nhất 30 triệu đồng mới có thể kinh doanh online. Số tiền quá lớn với hai cô gái trẻ. Thất bại nhưng không nản, Thùy Dương và Lan Anh tìm hiểu các phiên chợ thời trang để tìm nguồn cho sản phẩm.
2015 diễn ra nhiều chợ phiên thời trang. Rất khó để NAZ chen chân vì không có nhiều vốn để đặt cọc. "Chúng tôi tìm ra The Box và dùng 1,6 triệu đồng để thuê gian hàng. Trong đó có 800.000 đồng của chị tôi cho mượn", Thùy Dương nhớ lại.
The Box là chợ phiên nghệ thuật và thời trang diễn ra vào mỗi hai tuần. Tại đây bày bán đa dạng các mặt hàng, chủ yếu là handmade. Dù chỉ bán kèm nhưng bông tai tua rua lại là sản phẩm đưa khách hàng đến gần thương hiệu của đôi bạn ngành luật.
Sự lạ mắt trong thiết kế, chất liệu và nắm bắt xu hướng thời trang thế giới đã mang đến thành công bước đầu cho hai cô gái. Doanh thu chỉ riêng với mặt hàng này trong một ngày là 2,4 triệu đồng. Sau đó, nhà tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2016 còn đặt shop thực hiện đến 100 chiếc bông tai tua rua để chuẩn bị cho cuộc thi.
Đi theo phân khúc khách hàng riêng nên trong 2 năm, NAZ đã có lượng khách ổn định. Các sản phẩm đều do tự tay hai cô chủ thực hiện nên số lượng có hạn. Mỗi mẫu thường may tối đa 5 chiếc để không đụng hàng.
Đôi bạn chọn linen là chất liệu chính trong các mẫu thiết kế của shop. Đây là loại vải làm bằng cách dệt thân cây khô, thân thiện với môi trường. Những đường thêu tay lên linen dễ theo đúng thớ và không bị thủng nhiều.
Họ không thường mua quảng cáo Facebook. Hai cô chủ luôn may các sản phẩm với size M và cho khách đặt hàng theo đúng số đo. Mỗi lần may là một cảm xúc khác nhau, vì vậy dù cùng một mẫu nhưng lại mang chất riêng.
NAZ của hai cô gái trẻ có cách bán hàng qua câu chuyện rất đặc biệt trên Facebook. Khách hàng đọc, thẩm thấu, hiểu và quyết định mua món hàng bởi chính cách kể chuyện của người bán hoặc câu chuyện đặc biệt đằng sau mỗi sản phẩm. Đây là một trong những xu hướng đang phổ biến trên thế giới.
Đó có thể là về chất liệu, quá trình hình thành hay chính tài năng của người thợ làm nên sản phẩm. Với cách bán hàng này, khách hàng dễ tìm thấy sự đồng điệu, yêu thích và trở thành độc giả trung thành của một thương hiệu. NAZ của hai cô gái trẻ Thùy Dương và Lan Anh cũng tìm được khách hàng riêng thông qua cách kể chuyện theo mạch thời gian và cảm xúc của chính họ.
Facebook của shop online được đầu tư chỉn chu về hình ảnh, nội dung, bài đăng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Thùy Dương, người chịu trách nhiệm về nội dung và hình ảnh, chọn những câu chuyện từ chính cảm xúc của hai cô chủ để chạm vào trái tim khách hàng.
NAZ không dùng cách xuất hiện liên tục như những quả "bom" trên tường của khách hàng. Họ đăng tải có chọn lọc, cách quãng và không xuyên suốt hay cố định thời gian. Chính bởi điều này khiến người quan tâm mong mỏi, chờ đợi những bài viết và sản phẩm mới.
Thùy Dương và Lan Anh đều đến từ phố biển Vũng Tàu. |
Song để có thể theo đuổi con đường này, hai cô gái trẻ cũng phải vượt qua rất nhiều áp lực. Gia đình của cả hai đều không đồng ý con đường mà họ đang theo đuổi, thậm chí có lúc phản đối quyết liệt.
Hiện nay ban ngày Lan Anh làm việc cho một văn phòng luật tại Vũng Tàu và sống với đam mê chỉ khi mặt trời đã đứng bóng. Mỗi tối cô lại ngồi đến tận khuya để thêu tay từng họa tiết, cắt may những sản phẩm tâm huyết. Còn Thùy Dương ngoài trông coi shop offline tại một chung cư nhỏ ở quận 1, TP HCM, cô còn nhận các dự án chụp ảnh để kiếm thêm thu nhập.
Gọi là cửa hàng offline nhưng theo hai cô chủ thì khách hàng chủ yếu là từ online. "Còn nơi đây là địa điểm để khách đến lấy số đo, cũng là nơi để mọi người gặp gỡ và chuyện trò", Dương chia sẻ.