|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xuất khẩu phân bón tăng gấp đôi

07:10 | 26/05/2022
Chia sẻ
4 tháng đầu năm, giá phân bón xuất khẩu đạt 634 USD/tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón khởi sắc đã đưa kim ngạch xuất khẩu phân bón 4 tháng bằng 75% kết quả cả năm 2021.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 149 nghìn tấn, tương đương 102 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 628 nghìn tấn phân bón các loại, tương đương 412 triệu USD, tăng 33% về lượng, tăng mạnh 175% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giá phân bón xuất khẩu trong 4 tháng đạt 634 USD/tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón tăng cao đã đưa kim ngạch xuất khẩu phân bón 4 tháng bằng 75% kết quả xuất khẩu cả năm 2021.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng sở dĩ giá thành phân bón tăng cao (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) bởi nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực này tăng mạnh.

Đơn cử như để sản xuất phân DAP phải có lưu huỳnh và từ đầu năm đến nay giá nhập khẩu mặt hàng này tăng 85,6%; hay mặt hàng kali nhập khẩu để sản xuất phân NPK cũng tăng 82%, ngoài ra, chưa kể việc tăng giá nguyên liệu, chi phí logistics…

Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công Thương) cho biết 4 tháng đầu năm, phân bón Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Á.

Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc, thị trường lớn thứ hai của Việt Nam tăng đột biến với 43 nghìn tấn, tương đương 34 triệu USD, tăng gần 3 lần về lượng và tăng 9 lần về kim ngạch.

Ngoài ra, xuất khẩu phân bón Campuchia, thị trường lớn nhất đạt 146 nghìn tấn, tương đương 80 triệu USD, giảm nhẹ 2% về lượng nhưng tăng 62% về kim ngạch và 65% về giá xuất khẩu.

Các thị trường lớn khác đều nằm ở Đông Nam Á như Malaysia 66 nghìn tấn, tương đương 28,5 triệu USD; Lào với 26 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD; Myanmar với 21,5 nghìn tấn, trị giá 15 triệu USD; Philippines đạt 21 nghìn tấn, trị giá 17 triệu USD…

Hoàng Anh