|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giá xăng tăng liên tiếp, doanh nghiệp vận tải vẫn giữ giá cước

20:10 | 26/01/2024
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có liên tiếp 3 lần tăng với mức tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/lít (tùy loại xăng). Dù liên tiếp tăng giá nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải thông tin, mức tăng là không lớn nên doanh nghiệp vẫn có thể giữ mức giá cước vận tải để đảm bảo không gây nhiều tác động lên giá các mặt hàng dịp sát Tết này.

Doanh nghiệp vận tải vẫn giữ giá cước dù giá xăng tăng liên tiếp. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng cho hay, với mức tăng 1.000 đồng/lít, tương ứng chưa tới 5% và tác động tới chi phí vận tải của doanh nghiệp chỉ khoảng 2%. Đây là mức không lớn. Vì vậy, doanh nghiệp giữ cố định mức cước chuyển hàng Bắc - Nam trong dịp cận Tết.

“Thêm nữa, các đơn hàng chủ yếu đã được ký kết từ trước đó, hầu hết là những bạn hàng lâu năm. Chúng tôi đánh giá nếu tác động không quá lớn, cũng sẽ chủ động cân đối tài chính để không gây ảnh hưởng tới đơn hàng cũng như thu nhập anh em lao động dịp cuối năm”, bà Hạnh nói.

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cấu thành giá vận tải. Trong 1 tháng qua, chi phí xăng dầu tăng chưa tới 5%, sẽ tác động tới cấu thành giá khoảng 2%. Với mức tăng này, các doanh nghiệp vẫn sẽ giữ bình ổn giá để người dân di chuyển trong dịp Tết.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/1 đến ngày 18/1) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Cụ thể, căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang; nguồn cung xăng dầu tại Mỹ thắt chặt trong bối cảnh thời tiết lạnh giá gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất, đã thúc đẩy lực mua trên thị trường; kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu…

"Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có biến động tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng", liên Bộ Tài chính, Công Thương đánh giá.

Anh Nguyễn Anh Tú, lái xe taxi Hà Nội - Nội Bài cho hay, giá xăng trong khoảng 1 - 2 tháng qua, có biến động tăng giảm đan xen, xu hướng tăng nhưng không đáng kể. "Anh em vẫn giữ mức giá cước từ 220.000 - 300.000 đồng/lượt (tùy điểm đưa đón) để cạnh tranh. Thời điểm này rất đông khách di chuyển giữa các tỉnh bằng máy bay và cả thuê xe ô tô, do vậy mức giá cũng phải hợp lý để giữ chân khách".

Khảo sát tại các chợ tại Hà Nội sáng 26/1, giá cả các mặt hàng thiết yếu có sự tăng giá mạnh, đặc biệt là các mặt hàng rau củ quả. Tuy nhiên nguyên nhân tăng giá chủ yếu do thời tiết giá lạnh, nguồn cung hạn chế. 

Giá rau muống 20.000 đồng/mớ, tăng khoảng 7.000 đồng/mớ; rau cần 15.000 đồng/mớ, tăng 5.000 đồng; cà chua 15.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng; rau thơm - rau mùi 5.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng. Hành lá giá 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg...

Chị Lê Hạnh, bán rau tại chợ Mơ - Hà Nội cho biết, giá các mặt hàng rau củ tăng trong khoảng hơn 1 tuần qua, từ lúc thời tiết trở lạnh, đặc biệt lại rơi vào thời điểm cận Tết, làm rằm, và chuẩn bị ông Công ông Táo.

Giá các mặt hàng thịt, cá, gà... tại chợ gần như không có biến động nhiều. Giá thịt bò thăn 250.000 - 270.000 đồng/kg, cá trắm đen 150.000 đồng/kg, cá trắm trắng 120.000 đồng/kg, cá diêu hồng 70.000-80.000 đồng/kg; thịt gà 100.000 - 150.000 đồng/kg; gà công nghiệp 70.000 - 80.000 đồng/kg ...

Đức Dũng