|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít, lấy lại mốc trên 19.000 đồng

14:53 | 15/05/2025
Chia sẻ
Giá xăng dầu tăng trở lại sau hai kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp. Trong đó, giá xăng lấy lại mốc trên 19.000 đồng/lít.

 

Chiều 15/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu.

Giá bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng/dầu

Thay đổi

Giá không cao hơn

E5RON92

+ 403 đồng/lít

19.180 đồng/lít

RON95-III

+ 415 đồng/lít

19.594 đồng/lít

Dầu diesel 0.05S

+ 419 đồng/lít

17.228 đồng/lít

Dầu hỏa

+ 285 đồng/lít

17.226 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

+ 627 đồng/kg

16.160 đồng/kg

Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 15/5.

 

Nguồn: Liên Bộ Công Thương - Tài chính (H.Mĩ tổng hợp)

Thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành này chịu ảnh hưởng của thỏa thuận tạm thời giảm thuế nhập khẩu hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng gia tăng tại Trung Đông, OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu và xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Các yếu tố này khiến giá xăng dầu thế giới biến động tăng.

Biến động giá xăng dầu quốc tế

Sản phẩm

Giá bình quân (USD/thùng)

% thay đổi

Xăng RON92

75,5

+3%

Xăng RON95

77

+2,9%

Dầu hỏa

78,4

+2,1%

Dầu điêzen 0,05S

79,1

+3,1%

Dầu mazut 180CST (USD/tấn)

427

+5,4%

OPEC+ liên tiếp nâng sản lượng dù giá dầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại và chương trình cắt giảm không còn phát huy hiệu quả. Arab Saudi, quốc gia chịu phần lớn gánh nặng cắt giảm, tỏ ra không hài lòng khi nhiều thành viên trong Khối khai thác vượt hạn ngạch, khiến mục tiêu hỗ trợ giá dầu không đạt được như kỳ vọng, theo Financial Times.

Việc OPEC+ liên tục quyết định tăng sản lượng dầu cho thấy Arab Saudi đang chấp nhận thực tế rằng không thể đẩy giá dầu lên cao hơn trong khi quốc gia này không hài lòng với các thành viên khác trong Khối và ngay trước chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông.

Trong vài tháng qua, nhóm các quốc gia thành viên OPEC do Arab Saudi dẫn đầu đã 3 lần gây bất ngờ cho thị trường dầu mỏ với việc tăng sản lượng nhanh hơn dự kiến dù trước đó từng trì hoãn việc nới lỏng các đợt cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.

Dù giới các chuyên gia vẫn tranh luận về việc liệu Arab Saudi muốn khôi phục toàn bộ hay chỉ một phần sản lượng đã cắt giảm, nhưng phần lớn đều nhất trí rằng việc cắt giảm sản lượng rõ ràng ngày càng kém hiệu quả.

 

 

H.Mĩ