Giá xăng giảm 30% nhưng giá hàng hoá không giảm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu, xem xét
Xét báo cáo và kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, tham khảo báo cáo và kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để phục vụ công tác quản lý, điều hành giá và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Điều hành giá phải đánh trúng huyệt, không dàn trải
Trên cơ sở tổng hợp tình hình thông tin báo chí dư luận liên quan đến vấn đề giá cả Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, nhất là nhóm các mặt hàng tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), phải tập trung xử lý đúng trọng điểm, "đánh trúng huyệt, không dàn trải".
Bộ Tài chính chủ trì thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình giá cả thị trường, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng phục vụ sinh hoạt của người dân trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến phức tạp.
Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý kê khai giá, đặc biệt tăng cường việc theo dõi, cập nhật thông tin giá cước vận tải, giá xăng dầu, giá hàng hóa; kịp thời tham mưu bổ sung mặt hàng thuộc diện kê khai giá theo quy định.
Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Rà soát giá cước vận tải
Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ các loại hình vận tải (đường bộ, đường biển, hàng không) và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, công khai việc xử lý các trường hợp vi phạm để nhân dân biết, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa các thủ tục không cần thiết.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan quản lý báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật kịp thời với nhiều hình thức về tình hình thị trường giá cả; dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả hàng hóa, phục vụ đầy đủ nhu cầu thiết yếu của nhân dân; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý,…
Giá xăng đã giảm hơn 30% nhưng giá các mặt hàng khác chưa giảm
Sau khi lập kỷ lục vào ngày 21/6, giá xăng dầu liên tục giảm mạnh. Ở kỳ điều hành ngày 21/6, giá xăng E5 RON 92 cao nhất mọi thời đại ở mức 31.300 đồng/lít; xăng RON 95-III là 32.870 đồng/lít; dầu diesel lên mức 30.010 đồng; dầu hoả là 28.780 đồng một lít và dầu mazút là 20.730 đồng một kg.
Đến kỳ điều hành gần nhất ngày 3/10, giá xăng E5 RON 92 đã giảm 10.500 đồng/lít về mức 20.732 đồng/lít; xăng RON 95 giảm hơn 11.400 đồng/lít, còn 21.443 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel, dầu hoả và dầu mazut cũng giảm tới hơn 30%.
Mặc dù giá xăng giảm mạnh nhưng cước vận tải và giá cả hàng hoá vẫn chưa có xu hướng giảm theo giá xăng. Trước tình trạng trên, Chính phủ và Ban chỉ đạo điều hành giá đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành.