|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm sẽ ổn định nhờ chính sách giảm giá xăng dầu?

14:25 | 03/10/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây, việc Việt Nam có giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phụ thuộc rất lớn vào những chính sách điều hành của Chính phủ trong đó có giá xăng dầu.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Còn chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.

Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước, đặc biệt là giá xăng dầu tăng, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và cạnh tranh tại thị trường trong nước và thế giới.

Do đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ luỵ của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga gây nên khủng hoảng năng lượng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp và khá mạnh đến kinh tế Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,0% - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Kết quả là chỉ số giá sản xuất (Chỉ số PPI) sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,21%; Chỉ số PPI sản phẩm công nghiệp tăng 4,71%; Chỉ số PPI dịch vụ tăng 3,34%; Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 8,31%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 10,86%, trong đó giá nhập khẩu xăng dầu, sắt, thép tăng từ 30% đến trên 40%. Tỷ giá thương mại hàng hóa giảm 2,3%.

Điều này cho thấy giá hàng hoá và dịch vụ của tất cả các ngành trong nền kinh tế đã tăng, sẽ lan truyền sang giá tiêu dùng, tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới, làm giảm hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế của nước ta.

Giá xăng dầu trong nước 9 tháng đầu năm 2022 tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành vận tải, du lịch và khai thác thủy sản.

Dự báo giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu và nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Điều này đang gây nên cơn bão giá toàn cầu, tạo áp lực rất lớn về kiểm soát lạm phát đối với kinh tế nước ta, gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực; làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô và giảm tiến độ và hiệu quả của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội.

TS. Lâm cũng cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền trong giai đoạn này.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây, việc Việt Nam có giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phụ thuộc rất lớn vào những chính sách điều hành của Chính phủ trong đó có giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, nguyên Tổng cục trưởng TCTK nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Cũng như, khẩn trương xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai. Cùng đó, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh và thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.

"Phòng tuyến" giảm giá xăng dầu

 Từ 15h hôm nay 3/10, giá xăng giảm về hơn 20.000 đồng/lít. 

Ngày 23/9, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án, trong đó có 1 phương án giảm tối đa 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT đối với xăng dầu nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế,...

Theo đó, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: "Giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế VAT đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn".

Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là "phòng tuyến" quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú ngưỡng giá xăng dầu mà người dân "chịu được" chỉ khoảng 20.000 -22.000 đồng/lít, mức này phù hợp với thu nhập bình quân của Việt Nam. 

Ông Phú cho rằng, cần tăng dự trữ xăng dầu để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu sử dụng từ 3 - 6 tháng nhằm đối phó với diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để góp phần ổn định giá cả.

Một số biện pháp điều hành giá xăng khác được vị chuyên gia này đưa ra là việc rút xuống từ 10 ngày còn 5 ngày làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh thua thiệt cho người tiêu dùng hay thiết kế lại chuỗi cung ứng xăng dầu.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng một lần nữa nhắc lại quan điểm của Chính phủ trong điều hành giá xăng dầu.

Khi điều hành xăng dầu chúng ta chú ý đến các nhóm lợi ích: Lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng (100 triệu dân Việt Nam).Thứ hai là của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Lợi ích thứ 3 là chúng ta phải nhìn tổng thể về kinh tế vĩ mô, ví dụ như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, CPI, lớn hơn nữa là GDP.

Vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, liên Bộ Công Thương-Tài chính bám sát vào 3 lợi ích nhóm này và điều hành hài hoà, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, Thứ trưởng Hải nói.

Như vậy, việc giảm thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành giá xăng dầu theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp. 

 

Hạ An