|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giá vé máy bay tăng nóng xuất phát từ những nguyên nhân nào?

16:35 | 13/05/2024
Chia sẻ
Theo các hãng hàng không, giá vé máy bay tăng cao xuất phát từ chi phí tỷ giá, nhiên liệu và thuê máy bay tăng nhưng cũng không thể phủ nhận giá máy bay tăng giúp các hãng hàng không lãi lớn trong 3 tháng đầu năm nay.

"Vì sao giá vé máy bay tăng cao dẫn đến tình trạng người dân từ TP HCM ra Hà Nội lại phải mua vé vòng qua Thái Lan là câu hỏi được  Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ra tại phiên họp 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 13/5.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên vấn đề giá vé máy bay tăng nóng được nêu ra tại nghị trường Quốc hội. Tại phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 18/3, vấn đề này cũng từng được nhắc tới.

Theo thống kê từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), so với cùng kỳ năm trước,bình quân giá vé của Vietnam Airlines đã tăng 14 - 20%.

Đơn cử như đường bay vàng Hà Nội - TP HCM, giá vé bình quân của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines tăng lần lượt là 14%, 25%, 11% và 15% so với cùng kỳ 2023.

Tương tự, đường bay từ Hà Nội và TP HCM đi/đến Đà Nẵng, giá vé trung bình của Vietnam Airlines cũng tăng 17 - 26%, Vietjet tăng 32 - 38%,  Bamboo Airways tăng 13 - 29%, Vietravel Airlines tăng 14 - 20% so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam.

Chi phí tỷ giá, nhiên liệu tăng cao

Trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết mặt bằng giá vé nội địa còn phụ thuộc vào cung cầu thị trường, rất khó đánh giá, nhất là các nhịp thay đổi của thị trường nội địa vừa qua. Nhưng với việc năm nay giá trần vé máy bay tăng khoảng 5% các hãng hàng không sẽ có cơ hội đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ ở phân khúc giá cả cao.

Đây cũng là cơ hội để mở rộng dải giá vé, vừa bán vé chất lượng cao vừa giúp các hãng kéo giá thấp, đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm phục vụ cho hành khách ở những phân khúc chi trả thấp hơn cũng như ở giai đoạn thấp điểm, hài hòa lợi ích giữa các hãng hàng không và khách hàng, ông Hà cho biết.

Tuy nhiên, chi phí ngoại tệ lớn, họ thiệt hại hàng trăm tỷ khi tỷ giá biến động. Theo đó, với 1% thay đổi tỷ giá, hãng này mất 300 tỷ đồng. Nếu tỷ giá biến động 5%, chi phí một năm của hãng bay này tăng lên 1.500 tỷ.

Lý giải về nguyên nhân đợt tăng này,Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết vé máy bay tăng giá chủ yếu do giá nhiên liệu tăng và chênh lệch tỷ giá. Bên cạnh đó còn xuất phát từ nguyên nhân thiếu máy bay nên buộc các hãng hàng không phải thuê cả máy bay, phi công nên chi phí tăng cao.

Trong báo cáo thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines, năm 2023 chênh lệch thu - chi tỷ giá tăng so với năm 2019 548 tỷ đồng tức hãng hàng không này mất gần 550 tỷ đồng do biến động tỷ giá. Đến quý I năm 2024, Vietnam Airlines tiếp tục ghi nhận khoản lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá 647 tỷ đồng. Tỷ giá USD/VND tăng cao khiến chi phí của Vietnam Airlines và các hãng bay tiếp tục tăng đột biến.

Về chi phí nhiên liệu, năm 2023 mức giá nhiên liệu bình quân là 105,38 USD/thùng, cao hơn 28,66 USD/thùng so với năm 2019 (tương đương mức tăng 37,4%), chi phí nhiên liệu năm 2023 tăng do yếu tố giá và tỷ giá khiến Vietnam Airlines mất thêm khoảng 6.100 tỷ đồng chi phí so với năm 2019. Sang năm 2024, giá dầu biến động khiến chi phí nhiên liệu bay tiếp tục nhích lên.

Thiếu hụt máy bay

Lượng máy bay khai thác của Việt Nam giảm 25% trong năm nay. (Ảnh minh hoạ).

Bên cạnh hai yếu tố về giá nhiên liệu và tỷ giá, việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney và một số hãng hàng không trong nước cắt giảm đội bay cũng khiến giá vé máy bay tăng cao hơn.

Theo thống kê của Cục thông tin các hãng trong nước hiện có 199 chiếc, giảm 32 tàu so với năm ngoái. Tuy nhiên, lượng khai thác thực tế dao động trong khoảng 165 - 170 tàu, giảm 40 - 45 chiếc so với bình quân số tàu khai thác năm 2023. Việc số tàu bay khai thác giảm tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái khiến số ghế cung ứng giảm mạnh và gây khan hiếm vé máy bay.

Trong đó, Vietnam Airlines và Vietjet phải dừng khai thác gần 40 máy bay để Pratt&Whitney triệu hồi động cơ PW1100 và đưa vào bảo dưỡng, sửa chữa.

Gần 20 máy bay của Bamboo Airways cũng bị cắt giảm năm ngoái và năm nay tiếp tục giảm thêm 5 tàu bay. Pacific Airlines tiếp tục cắt giảm cả đội bay 10 chiếc nhằm tái cơ cấu toàn diện. Như vậy năm nay, Bamboo Airways chỉ còn khai thác 5 tàu, giảm 25 tàu so với năm 2023 còn Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào mà toàn bộ hoạt động dựa vào thuê tàu bay từ Vietnam Airlines.

Số máy bay cắt giảm nhiều nhưng nhận mới không đáng kể khi cả năm nay, ngoài Vietnam Airlines bổ sung thêm 2 tàu B787 vào tháng 6 và 7, các hãng còn lại sẽ không nhận thêm tàu bay nào là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm vé máy bay. Tình trạng thiếu hụt máy bay khiến các hãng hàng không lựa chọn thuê ướt cả chuyến bay dù chi phí cao hơn.

Doanh nghiệp hàng không lãi lớn

Hầu hết các doanh nghiệp hàng không đều báo lãi trong quý I/2024. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ KQKD của các hãng hàng không).

Khó khăn khách quan ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng không thể phủ nhận các nguyên nhân chủ quan về tình hình kinh doanh khiến các hãng hàng không phải tăng giá vé máy bay. Thay vì báo lỗ như năm ngoái, mặc dù lượng khách giảm trong quý I, nhưng các doanh nghiệp hàng không lại báo lãi lớn.

Trong quý I/2024, các hãng bay Việt Nam vận chuyển 13 triệu lượt khách, giảm 5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, lượng khách nội địa giảm 18%, xuống còn 8,5 triệu lượt. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines đạt 4.085 tỷ đồng, gấp hai lần quý I/2023. Trong kỳ, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá 647 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 110 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí, ông lớn hàng không quốc dân báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 900 tỷ đồng, gấp 15,8 lần quý I/2023. Song Vietnam Airlines có khoản thu nhập khác 3.030 tỷ đồng nhờ xoá nợ theo thỏa thuận trả nên doanh nghiệp lãi sau thuế kỷ lục 4.441 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 lỗ 37 tỷ.

Lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không Vietjet trong quý I/2024 cũng tăng tới 209% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 539 tỷ đồng, hoàn thành gần 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay. Bên cạnh đó, một hãng hàng không non trẻ là Vietravel Airlines cũng lần đầu báo lãi nhờ giá vé máy bay tăng.

Trong quý I, Vietravel Airline đạt doanh thu trên 491 tỷ đồng, tăng 42%. Nhờ đó ghi nhận lợi nhuận ròng 10,1 tỷ đồng, báo lãi lần đầu sau hơn ba năm đi vào khai thác. Mặt bằng giá vé máy bay tăng cao là nguyên nhân giúp các hãng hàng không này báo lãi, đặc biệt là nhờ các giai đoạn cao điểm Tết và hè khi nhu cầu của người dân tăng đột biến.

"Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, Tết", Cục Hàng không nhận định.

Cơ quan này cũng dự báo tình trạng lệch cung cầu sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè năm nay. Điều này cũng gây áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, nhất là đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Hạ An