|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vật liệu xây dựng cuối năm tăng cao

10:59 | 12/12/2016
Chia sẻ
Thị trường vật liệu xây dựng nóng lên vào những ngày cuối năm khi nhiều dự án được triển khai và nhu cầu sửa nhà của người dân tăng cao. Nhiều mặt hàng vật liệu tăng giá kéo theo sự hỗn loạn của việc làm giả các thương hiệu vật liệu lớn.

Những ngày cuối năm, những tuyến phố bán vật liệu xây dựng lớn ở Hà Nội như Cát Linh, Thanh Nhàn, Giải Phóng, Trường Chinh… luôn tấp nập khách mua hàng. Anh Khang, chủ cửa hàng vật liệu trên phố Trường Chinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vật liệu hoàn thiện bán chạy nhất. Nhiều thời điểm cửa hàng thiếu nhân viên tư vấn và lắp đặt cho khách. Doanh thu trung bình những ngày này tăng 50% so với ngày thường. Giá các vật liệu cũng tăng khoảng 10 - 20%. Riêng giá cát tăng từ 10 - 30% so với năm trước.

Đua nhau tăng giá

Một lãnh đạo phòng quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm cho biết, thống kê các tháng cuối năm cho thấy số lượng cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận tăng đột biến. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn quận cấp khoảng 300 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chưa kể trên địa bàn quận có hàng chục dự án lớn đang xây dựng.

Ông Lê Đức Thái, Giám đốc Cty Bê tông Thái Sơn cho hay, thị trường xây dựng cuối năm với hàng loạt dự án được tái khởi động lại khiến lượng tiêu thụ về vật liệu tăng gấp đôi so với năm ngoái. Mặt hàng cát năm nay tăng giá so với mọi năm do việc sản xuất và khai thác cát bị hạn chế. “Những ngày cuối năm chúng tôi liên tiếp nhận được đơn hàng. Điện thoại nhân viên tư vấn của doanh nghiệp luôn trong tình trạng “nóng máy”, nhân viên giao hàng phải trực chiến để vận chuyển cho khách”, ông Thái nói.

Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, giá bán thép đầu nguồn tại một số nhà máy biến động, tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg tùy từng chủng loại so với cuối tháng 10. Giá bán tại các nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, thuế giá trị gia tăng khoảng 9.500 - 10.700 đồng/kg đối với thép cuộn và khoảng 9.750 - 10.400 đồng/kg đối với thép cây.

Bà Đặng Thị Hiền, Giám đốc Cty Thép Thảo Hiền (Hà Nội) cho biết, dịp cuối năm này, sản lượng tiêu thụ của công ty tăng cao.

Lo hàng giả xâm nhập

Đại diện thương hiệu cửa Austdoor cho biết, cuối năm lượng tiêu thụ cửa tăng mạnh khiến trên thị trường xuất hiện nhiều loại cửa nhái. Vị này cho biết, việc nhái chủ yếu là các cơ sở kinh doanh cửa cuốn nhỏ lẻ, có xưởng sản xuất thô sơ tự làm nhái theo biên dạng nan cửa Austdoor và nhái logo Austdoor.

“Các loại biên dạng nan cửa công ty đã đăng ký bản quyền nhưng việc bị làm nhái vẫn phổ biến. Về chất lượng, hàng nhái không thể bằng hàng sản xuất tại nhà máy về bề mặt sơn, chưa kể nan cửa cuốn khe thoáng của Austdoor được sơn toàn bộ bằng dây chuyền sơn tĩnh điện, với đầy đủ các bước từ xử lý hóa chất vệ sinh bề mặt đến buồng phun sơn, lò sấy nan sau sơn”, vị này nói.

Không chỉ cửa cuốn, mặt hàng tôn lợp của các thương hiệu lớn như: tôn Phương Nam, tôn Hoa Sen… cũng bị làm giả một cách tinh vi. Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), vấn nạn tôn giả, tôn nhái tìm cách tuồn vào công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cả về kinh tế, chất lượng công trình lẫn uy tín đối với chủ đầu tư cũng như thương hiệu của chính nhà thầu.

Ngọc Mai

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.