|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Điểm tên doanh nghiệp nội ăn theo dự án Đường sắt cao tốc 67 tỷ USD

14:40 | 02/12/2024
Chia sẻ
Các công ty cung cấp vật liệu xây dựng, sắt thép, các nhà thầu xây dựng hay ngân hàng có thể là bên hưởng lợi đáng kể khi dự án Đường sắt cao tốc ưu tiên cho doanh nghiệp nội.

Vào cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Dự án có chiều dài 1.541 km, tổng vốn sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD) và dự kiến hoàn thành năm 2035.  

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642 km vào cuối năm 2027 (giai đoạn 1). Yuanta ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 29,1 tỷ USD.

Việc thực hiện đầu tư tuyến đường sắt cao tốc sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD, phần lớn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm các phần cầu hầm, nền đường.  

Dự án thế kỷ này được xem là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tổng thầu và các nhà thầu được khuyến khích ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể cung cấp.   

Đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến khởi công từ năm 2027. Ảnh: T.L.

Ở nhóm vật liệu xây dựng, Hòa Phát (Mã: HPG) đang nổi lên là một ứng viên có thể hưởng lợi đáng kể từ dự án. Tập đoàn có thể cung cấp được sắt xây dựng vào các công trình và có kế hoạch nghiên cứu cung ứng thép đường ray, thép dự ứng lực...  

Tỷ phú Trần Đình Long gần đây ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ caođánh giá cao yêu cầu phải sử dụng hàng hóa trong nước. Các đơn vị tư vấn tính toán dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại.

“Nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án, Hoà Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao”, ông Long nhấn mạnh.  

Người đứng đầu Hòa Phát cam kết tất cả chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án và đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.  

Ngoài thép, Chứng khoán Yuanta cho rằng các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, xi măng, gạch ốp lát, còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép mới có thể được hưởng lợi. 

Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB), Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB) hay Hóa An (Mã: DHA) là những đơn vị điển hình hưởng lợi nhờ trữ lượng lớn, giấy phép khai thác dài hạn, sẵn sàng cung cấp nguồn đá cho dự án.

Các doanh nghiệp hàng đầu về xi măng cũng cơ hội lớn cung ứng vật liệu vào đường sắt cao tốc. Các công ty Xi măng Hà Tiên (Mã: HT1), Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC)... có lợi thế về năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng nhu cầu cao và kinh nghiệm trong nhiều dự án đầu tư công. 

  Chi phí đầu tư dự kiến Đường sắt cao tốc Việt Nam. Nguồn: Yuanta dự phóng.  

Ở nhóm nhà thầu, lãnh đạo các công ty tư vẫn và xây dựng hàng đầu TEDI, Tập đoàn Đèo Cả, Cienco4 (Mã: C4G), Tổng công ty 319... đều khẳng định doanh nghiệp trong nước đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp ví dự án là một cuộc cách mạng làm thay da đổi thịt đối với các doanh nghiệp, "độ chính xác của tàu đường sắt cao tốc đòi hỏi mức độ cao hơn về công nghệ, nhưng hoàn toàn có thể đảm đương tốt".  

Chứng khoán Yuanta cho rằng tổng thầu và tư vấn nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ như Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), Fecon (Mã: FCN), Cienco4 và Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV). 

Chủ tịch Fecon Phạm Việt Khoa chia sẻ trên truyền thông rằng đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các dự án đường sắt đô thị và các hạng mục kết cấu hạ tầng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặc biệt trong các hạng mục đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp.  

Hay Chủ tịch Đèo Cả Hồ Minh Hoàng hồi đầu tháng 10 đề xuất với Thủ tướng cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam sớm tự chủ trong việc đầu tư các công trình đòi hỏi công nghệ cao như đường sắt, metro...

Tập đoàn nàyđã tổ chức nhiều đoàn công tác học tập và làm việc với các đơn vị trong ngoài nước, thành lập Viện nghiên cứu để chuẩn bị nguồn nhân sự kỹ sư, thành lập các trung tâm huấn luyện thực hành để đào tạo nhân công phổ thông.

Đối với ngân hàng, trong các đề xuất dự kiến, Việt Nam sẽ vay tối đa 30%, song chưa quyết định vay trong nước hay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Một số đại biểu đề nghị thu hút đầu tư nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội, giảm sức ép đối với ngân sách nhà nước. 

Các ngân hàng quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án. Yuanta kỳ vọng Vietcombank (Mã: VCB), BIDV (Mã: BID) và VietinBank (Mã: CTG) được tham gia cung cấp tài chính.   

Huy Lê