|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng thoát đáy, USD và giá dầu mất đà tăng

07:52 | 02/09/2016
Chia sẻ
Chốt phiên 1/9, trong khi giá vàng thế giới vừa thoát đáy 2 tháng thì dầu thô lại về đáy 3 tuần sau 4 phiên giảm liên tiếp; USD bị ảnh hưởng bởi số liệu thất vọng của Mỹ trong khi chứng khoán toàn cầu vẫn diễn biến trái chiều.
tin nhap 20160902074918

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng được hỗ trợ bởi phiên giảm bất ngờ của USD sau báo cáo sản xuất và việc làm gây thất vọng của kinh tế Mỹ.

Cụ thể, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong 6 tháng qua do số đơn hàng mới và sản lượng giảm mạnh. Trong khi đó theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng tăng nhẹ hơn so với kỳ vọng vào tuần trước. Cả hai số liệu trên đều gây lo ngại cho giới đầu tư về đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trước thềm cuộc họp chính sách tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết quả là, một số nhà đầu tư nhanh chóng rút vốn ra khỏi đồng bạc xanh, khiến chỉ số đôla giảm 0,4% trong cả phiên. Trong đó, tỷ giá USD/JPY giảm xuống 103,28 và tỷ giá EUR/USD tăng lên 1.120.

USD suy yếu tạo đà phục hồi cho giá vàng. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,35% trong cả phiên lên 1.313,07 USD/ounce sau khi xuống thấp nhất kể từ ngày 24/6. Giá vàng giao tháng 12/2016 cũng tăng 0,4% lên 1.317,10 USD/ounce.

Giá vàng giảm khiến quỹ tín thác SPDR liên tục bán 20,48 tấn vàng từ kho dự trữ trong 1 tuần qua. Hiện tại, dự trữ vàng của SPDR là 937,89 tấn - mức thấp nhất kể từ ngày 27/6.

Trên thị trường kim loại quý, ngoài vàng, bạc cũng tiếp tục tăng giá với mức tăng 1,2% trong phiên 1/9. Trong khi đó, bạch kim và palladium vẫn chưa thoát đáy với giá bạch kim xuống thấp nhất 9 tuần và giá palladium xuống thấp nhất 6 tuần.

Trên thị trường hàng hóa mềm, giá dầu thô cũng chưa thể lấy lại đà tăng và rơi xuống đáy 3 tuần. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của giá dầu thô thế giới do lo ngại về dư thừa nguồn cung tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.

Chốt phiên 1/9, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm mạnh 3,4% xuống 43,16 USD/thùng và ghi nhận mức giảm 9,4% trong 4 phiên vừa qua. Giá dầu Brent cũng giảm 3,1% xuống 45,45 USD/thùng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu trên các sàn giao dịch lớn trái chiều do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau.

Tại Mỹ, cùng với cổ phiếu năng lượng, cổ phiếu công nghệ bị bán tháo sau báo cáo chỉ số sản xuất ISM gây thất vọng của kinh tế Mỹ. Chỉ số S&P 500 theo đó giảm 0,09%, nhưng bù lại chỉ số Dow Jones và Nasdaq lại lần lượt tăng 0,1% và 0,27%.

Tại châu Âu, sự phục hồi của cổ phiếu hàng hóa đã giúp thị trường chứng khoán châu Âu bật tăng sau phiên giảm ngày 31/8, với chỉ số STOXX 600 tăng 0,6% trong cả phiên 1/9.

Tại châu Á, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương cũng tăng 0,26%; trong đó thị trường chứng khoán Nhật Bản chạm đỉnh 3 tháng nhờ cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Theo đó, chỉ số Nikkei và Topix lần lượt tăng 0,2% và 0,6%.

Kim Dung