|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục có thể đang làm giảm nhu cầu

10:20 | 06/08/2024
Chia sẻ
Theo Reuters, vàng là tài sản có hiệu suất nổi bật nhất trong năm nay, tăng 18,5% và đạt mức cao kỷ lục. Nhưng kim loại quý này có thể trở thành nạn nhân của chính thành công của nó, khi người tiêu dùng phải chịu rủi ro khi giá tăng đột biến.

Giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 2.443 USD/ounce vào ngày 2/8 và phần lớn vẫn duy trì được đà tăng giá trong năm nay, khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.483 USD/ounce vào ngày 17/7.

Tuần trước, Hội đồng Vàng Thế giới đã công bố báo cáo quý và nhóm ngành này báo cáo tổng nhu cầu là 1.258,2 tấn trong quý II, mức cao nhất được ghi nhận trong quý 2 và cao hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhưng khi phân tích số liệu về nhu cầu cho thấy một số xu hướng có thể chỉ ra sự chậm lại trong các quý tới.

Nhu cầu tăng mạnh nhất đến từ thị trường phi tập trung (OTC), chủ yếu là mua từ các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và các công ty quản lý tài sản gia đình.

Nhu cầu trên sàn OTC là 329,2 tấn trong quý II, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng mạnh 385% so với quý I.

Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng sự gia tăng nhu cầu OTC là do "sự đa dạng hóa danh mục đầu tư”. Điều này đặt ra câu hỏi về mức độ bền vững của nhu cầu này, vì khi các nhà đầu tư này đạt đến điểm mà họ cảm thấy có đủ vàng trong danh mục tài sản của mình, họ có thể sẽ giảm bớt việc mua vào.

Báo cáo cũng cho thấy mức tiêu thụ đồ trang sức giảm mạnh 19% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn 390,6 tấn,

Cùng với đồ trang sức, nhu cầu xu vàng cũng giảm 38% xuống còn 52,7 tấn trong quý II.

Cả hai điều này đều báo hiệu rằng người tiêu dùng có thể bắt đầu hạn chế mua sắm vì giá cả tăng mạnh.

Điều đáng quan tâm đặc biệt là nhu cầu trang sức ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia mua vàng vật chất lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo của Hội đồng, nhu cầu trang sức tại Trung Quốc giảm 35% trong quý II xuống còn 86,3 tấn, trong khi Ấn Độ ghi nhận mức giảm 17% xuống còn 106,5 tấn.

Một dấu hiệu nữa cho thấy nhu cầu vàng của Trung Quốc có thể đang giảm bớt là lượng nhập khẩu ròng qua Hong Kong vào tháng 6 đã giảm 18%, với số liệu chính thức cho thấy lượng nhập khẩu là 21,92 tấn, giảm so với mức 26,72 tấn của tháng 5.

Trung Quốc không tiết lộ khối lượng vàng nhập khẩu, khiến dữ liệu của Hong Kong trở thành thước đo quan trọng cho nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.

Nhu cầu tiêu thụ vàng của Ấn Độ có thể sẽ tăng trong quý hiện tại sau khi chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu từ 15% xuống còn 6%. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ tác dụng trong ngắn hạn, thay vì là xu hướng tăng trưởng nhu cầu bền vững. 

Giá cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào quỹ ETF. Số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy mức giảm ròng 7,2 tấn trong quý II sau khi giảm 113 tấn trong quý I. 

Hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương cũng chậm lại trong quý II, đạt 183,4 tấn, giảm so với mức 299,9 tấn trong quý I. Tuy nhiên, con số này tăng 6% so với mức 173,6 tấn trong quý II/2023.

Nhìn chung, có đủ các yếu tố cho thấy việc giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục đang bắt đầu làm giảm bớt nhu cầu.

Nhưng đây không hẳn là tin hoàn toàn xấu, vì sự quan tâm của các nhà đầu tư có thể vẫn được duy trì nhờ kỳ vọng rằng chính sách tiền tệ ở một số quốc gia chủ chốt có thể sẽ được nới lỏng, đặc biệt là khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng, với xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine, cũng như rủi ro chính trị xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn biến căng thẳng. Những yếu tố này có khả năng duy trì sự quan tâm đến vàng ở mức cao.

Sự kết hợp giữa các yếu tố giảm giá và tăng giá đối với vàng có thể có tác dụng giữ giá trong phạm vi tương đối hẹp trong suốt phần còn lại của năm.

H.Mĩ