Giá vàng SJC và thế giới sẽ thiết lập mặt bằng mới sau con sóng lớn?
Giá vàng SJC có thể duy trì trên 70 triệu đồng/lượng
Trong vòng hơn một tuần qua, thị trường vàng trong nước và thế giới trải qua “con sóng” lớn khi đều thiết lập mức kỷ lục mới. Giá vàng thế giới chạm mốc 2.100 USD/ounce còn vàng SJC đạt 74,6 triệu đồng/lượng.
Câu hỏi đặt ra lúc này liệu giá vàng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới sau đợt tăng giá này hay không?
Với thị trường trong nước, điều này cũng đã từng xảy ra vào năm ngoái, sau khi giá vàng SJC lập đỉnh 73,2 triệu đồng/lượng do tác động từ căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine vào tháng 3/2022. Những tháng sau đó, giá vàng thiết lập mặt bằng mới khi đi ngang quanh mức 66 - 68 triệu đồng/lượng, cao hơn mặt bằng của năm 2021 khoảng 60 - 61 triệu đồng/lượng.
Điều tương tự cũng xảy ra với giá vàng thế giới. Sau khi lần vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce vào tháng 8/2020, giá vàng dao động trong biên độ 1.600 - 1.950 USD/ounce kéo dài đến năm 2023, cao hơn so với mặt bằng 1.035 - 1.400 USD/ounce giai đoạn từ 2014 đến cuối 2019.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng giá vàng SJC sẽ tạo mặt bằng mới sau đợt tăng này. Theo ông, sau khi giá vàng tăng mạnh thì rất khó để điều chỉnh sâu, trừ khi nếu có can thiệp rất mạnh vào yếu tố cung- cầu.
Ông phân tích, về nguồn cung, thị trường vàng sẽ còn phụ thuộc vào chính sách. Nếu Nghị định 24 được sửa đổi, cho phép nhập khẩu vàng, thì giá trong nước sẽ hạ. Ở chiều ngược lại, nếu Nghị định 24 giữ nguyên, nguồn cung sẽ không đổi.
Trong 10 năm qua, Việt Nam không nhập khẩu thêm vàng và vàng SJC cũng không được sản xuất thêm. Ngoài ra, một lượng vàng SJC kém chất lượng được đưa ra làm vàng trang sức. Điều này khiến nguồn cung trở nên khan hiếm và giá vàng SJC trong cách biệt tới 12 - 14 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới.
Ở phía nhu cầu, lượng mua vàng sẽ còn phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của các kênh đầu tư khác. Nếu các kênh khác đi lên thì tiền từ vàng sẽ chảy bớt ra ngoài. Hay nói cách khác, nhà đầu tư có thể bán vàng để chuyển sang các kênh như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu,… Nhưng nếu tình hình kinh tế vẫn chưa cải thiện thì tiền sẽ tiếp tục chảy vào vàng - tài sản được xem là kênh trú ẩn an toàn.
Ông cho biết nhu cầu thời gian vàng qua vẫn ở mức cao. Tình hình kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán không hiệu quả, nên một phần tiền chảy vào vàng. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy giá vàng.
“Mặt bằng giá SJC sẽ khoảng trên 70 triệu đồng/lượng. Mặt bằng này sẽ khó thay đổi nếu nguồn cung không tăng lên”, ông nhận định.
Trong báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý III, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng thỏi và xu vàng của Việt Nam tăng 4% so với quý III/2022 lên 9 tấn.
Lạm phát cao và biến động tỷ giá VND/USD đã thúc đẩy các nhà đầu tư Việt Nam tìm nơi trú ẩn ở an toàn là vàng. Đặc biệt trong tháng 8, các nhà đầu tư tận dụng thời điểm giá vàng điều chỉnh xuống để mua vào với kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh trong tương lai, theo WGC.
Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức của Việt Nam trong quý III giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3 tấn. Đồng thời, đây là quý thứ ba liên tiếp ghi nhận nhu cầu giảm.
“Đây là quý III có nhu cầu vàng trang sức thấp nhất kể từ năm 2021. Lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng”, WGC nhận định.
Dưới góc độ người kinh doanh vàng, ông Bảng nói thêm các cửa hàng vàng thu lợi nhuận chủ yếu từ vàng trang sức do có thêm công chế tác. Trong khi đó, vàng SJC bản chất chỉ mua qua bán lại năm này qua năm khác mà không sản xuất thêm.
Giá vàng thế giới cũng sẽ tạo mặt bằng mới
Theo CNBC, các nhà phân tích nhận định giá vàng có thể chinh phục đỉnh mới vào năm tới và có thể duy trì trên mức 2.000 USD/ounce, do bất ổn địa chính trị, đồng USD có thể yếu hơn và khả năng Fed giảm lãi suất.
Giá kim loại quý này đã tăng trong hai tháng liên tiếp khi xung đột Israel-Palestine thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, trong khi kỳ vọng cắt giảm lãi suất đã hỗ trợ thêm đà tăng.
Vàng có xu tăng mạnh trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị do đây là một trong những kênh trú ẩn an toàn hiệu quả.
Ông Heng Koon How, Giám đốc Chiến lược Thị trường, Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế Toàn cầu của UOB, cho biết: “Việc thị trường kỳ vọng lãi suất giảm và đồng USD yếu đi trong năm 2024 là động lực tích cực chính cho giá vàng”. Ông ước tính giá vàng có thể lên tới 2.200 USD vào cuối năm 2024.
Tương tự, một nhà phân tích khác đang lạc quan về triển vọng của vàng thỏi. “Thời điểm này ít đòn bẩy hơn so với năm 2011. Do đó, giá vàng giá vượt qua mức 2.100 USD và dự kiến mốc tiếp theo là 2.200 USD/ounce”, ông Nicky Shiels, người đứng đầu bộ phận phân tích chiến lược tại công ty kim loại quý MKS PAMP, cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng khi giá vàng đã vượt qua ngưỡng kỷ lục cũ 2.075 USD/ounce thiết lập năm 2020 thì sẽ điều chỉnh nhưng không quá nhiều, sau đó hình thành mặt bằng giá mới.
“Mặt bằng giá vàng thế giới mới sẽ dao động trong biên độ 1.800 - 2.300 USD/ounce. Một khi giá vàng vượt đỉnh, biên độ biến động sẽ cao hơn", ông nói.
Theo đó, trước khi giá vàng vượt đỉnh, quanh mức khoảng 1.900 USD/ounce nhiều người cho rằng giá vàng sẽ về mức 1.500 USD/ounce. Tuy nhiên theo ông Khánh, mặt bằng giá cần phải ở trên mức 1.800 USD/ounce.