Triển vọng cổ phiếu chuỗi bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam khi giá vàng ở ngưỡng kỷ lục
Với doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng bạc, trang sức như Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), một câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra rằng giá vàng trong nước lên mức kỷ lục sẽ tác động ra sao đến kết quả kinh doanh của công ty?
Ba mảng hoạt động chính của PNJ gồm kinh doanh vàng, bạc và đá quý (chiếm hơn 99% doanh thu), kinh doanh phụ kiện và kinh doanh dịch vụ (kiểm định kim cương, đá quý...). Xét theo kênh, bán lẻ và vàng 24k là 2 nhóm chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III, doanh thu thuần của PNJ xấp xỉ 6.900 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lãi sau thuế đi ngang đạt 253 tỷ đồng.
Doanh thu bán lẻ giảm 11% mặc dù đà giảm đã thu hẹp so với mức giảm 21% trong quý II liền trước. Trong khi đó, mảng bán buôn không có nhiều cải thiện, khi giảm 36% so với cùng kỳ trong quý III so với giảm 42% của quý II. Báo cáo mới đây của SSI Research chỉ ra điều này phản ánh PNJ tiếp tục giành thêm thị phần trong bối cảnh tiêu thụ trang sức vẫn yếu.
Ngược lại, doanh thu vàng miếng phục hồi 29% so với cùng kỳ. Theo nhóm phân tích của SSI, điều này nhờ giá vàng trong nước có xu hướng tăng cao, mục đích phòng ngừa lạm phát và PNJ giành thêm thị phần.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, doanh thu vàng miếng của Việt Nam giảm 8% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, nhưng quay lại tăng trưởng 4% so với cùng kỳ trong quý III, cho thấy nhu cầu vàng miếng của người tiêu dùng đã quay trở lại mặc dù mức tiêu thụ trang sức vẫn yếu.
Về yếu tố biên lãi gộp, chỉ tiêu này cải thiện từ 16,9% trong quý III/2022 lên 17,3% trong quý III năm nay nhờ biên lãi gộp từ mảng bán lẻ tăng lên do thay đổi cơ cấu sản phẩm. Người tiêu dùng mua nhiều trang sức bạc hơn, trang sức vàng có giá thấp hơn (do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu) và mua ít kim cương rời hơn khi thu nhập bị ảnh hưởng.
Doanh thu vàng miếng tiếp tục tăng trưởng trong tháng 10
Trong tháng 10, PNJ đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 1,6% so với cùng kỳ) và 193 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 32% so với cùng kỳ). Lũy kế 10 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 26.400 tỷ đồng (giảm 7,5% so với cùng kỳ) và 1.530 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ), lần lượt thực hiện 74% và 79% kế hoạch năm 2023.
Doanh thu bán lẻ đã tăng trưởng dương trở lại với mức tăng 4% sao với cùng kỳ năm trước trong tháng 10, sau 3 quý liên tiếp giảm. Doanh thu bán lẻ tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan hơn so với doanh thu bán buôn, cụ thể, doanh thu bán buôn vẫn ghi nhận mức giảm hai con số trong tháng 10 (giảm 34% so với cùng kỳ). Doanh thu vàng miếng tiếp tục xu hướng tăng trưởng hai chữ số trong tháng 10 (tăng 24% so với cùng kỳ).
Biên lãi gộp mở rộng từ 17,2% trong tháng 9 lên 18,8% trong tháng 10 nhờ doanh thu bán lẻ tích cực trong ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Trong khi đó, biên lãi gộp cải thiện nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm.
Lãi gộp trong tháng 10 tăng 12% so với cùng kỳ, trong khi lãi trước thuế và lãi sau thuế tăng lần lượt 15% và 32% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 10, PNJ có 382 cửa hàng vàng (tăng 32 cửa hàng so với đầu năm).
Kỳ vọng biên lãi gộp tiếp tục cải thiện trong 2024
Về triển vọng, mặc dù những thách thức của nền kinh tế vĩ mô dự kiến sẽ giảm bớt nhưng vẫn cần thêm thời gian để chi tiêu có thể phục hồi.
SSI Research dự báo tăng trưởng doanh thu bán lẻ năm 2024 sẽ được thúc đẩy bởi cả số lượng cửa hàng mở mới trong năm 2023 (tăng 11%) và SSSG (tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng trang sức vàng hiện hữu) năm 2024 (tăng 6,5%) mặc dù tiêu thụ trang sức trong nước có thể cần thêm thời gian hơn để lấy lại mức tăng trưởng.
Biên lãi gộp của PNJ đã suy giảm trong giai đoạn 2020 - 2022 do công ty mở rộng mạng lưới cửa hàng tại các thành phố cấp 2-3, tại đây khách hàng ưa chuộng trang sức có hàm lượng vàng cao, sản phẩm thường có biên lãi gộp thấp. Người tiêu dùng vẫn có thể tiếp tục mua các mặt hàng có giá thấp hơn và ít kim cương rời hơn trong năm 2024, từ đó giúp duy trì biên lãi gộp năm 2024 tương đương như năm 2023.
Dự báo biên lãi gộp sẽ tăng từ 17,5% trong năm 2022 lên 18,4% - 18,2% vào năm 2023 - 2024. Chi phí SG&A (chi phí bán hàng, chi phí chung và chi phí quản trị) sẽ tăng chậm hơn so với doanh thu do công ty có thể vẫn kiểm soát chặt chi phí trong bối cảnh nhu cầu phục hồi thận trọng.
Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận sau thuế năm 2023 - 2024 sẽ đạt lần lượt là 1.850 tỷ đồng (tăng 2,6% so với 2022) và 2.170 đồng (tăng 17,2% so với ước tính 2023).
Trên sàn HOSE, cổ phiếu PNJ đang được giao dịch quanh 80.200 đồng/cp vào phiên sáng 30/11, tăng 10% qua 1 tháng. Khối lượng giao dịch bình quân khoảng 530.000 đơn vị mỗi phiên.
Tổng quan, diễn biến thị giá của PNJ vẫn đồng pha so với thị trường chung (đại diện là VN-Index) hay nhóm bán lẻ, hàng tiêu dùng (MWG, PET, DGW) chứ không lệch pha theo sự lên xuống của giá vàng.