Giá vàng nhẫn lập đỉnh trong ngày vía Thần Tài, nhiều nơi cháy hàng
Vàng nhẫn trơn cháy hàng
Trước và trong ngày vía Thần Tài, giá vàng nhẫn đã liên tục tăng khi nhu cầu của người dân tăng cao. Sáng ngày 19/2 (ngày vía Thần Tài mùng 10), giá vàng nhẫn bán ra lập kỷ lục mới khi đạt ngưỡng 65,45 triệu đồng/lượng, phá vỡ kỷ lục cũ là 64,9 triệu đồng/lượng được ghi nhận cách đây ít ngày.
Ở chiều mua vào, giá vàng nhẫn ở mức 64 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch mua - bán là hơn 1,5 triệu đồng/lượng. Mức giá này duy trì ổn định trong chiều cùng ngày.
Chia sẻ với chúng tôi, một nhân viên tại cửa hàng Doji Tower cho biết trước đó vàng nhẫn trơn đã hết hàng trên toàn hệ thống nên ngày vía Thần Tài năm nay không bán sản phẩm này.
Tại chuỗi cửa hàng PNJ, mặt hàng nhẫn trơn cũng nhanh chóng "cháy hàng”. Đại diện PNJ cho biết năm nay công ty không chuẩn bị nhiều nhẫn trơn mà thay vào đó là các sản phẩm vàng miếng An - Phú - Quý - Phát - Lộc - Tài để thêm trải nghiệm mới cho khách hàng. Điều này khiến nguồn cung nhẫn trơn năm nay ít hơn so với mọi năm.
Hai nguyên nhân tạo sức hút vàng nhẫn
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết hai lý do khiến vàng nhẫn năm nay lại có sức hút lớn đến vậy.
Nguyên nhân đầu tiên là thị hiếu của người dân năm nay bớt mua vàng miếng chuyển qua mua vàng nhẫn trơn vì giá vàng miếng chênh lệch nhiều so với thế giới và khoảng cách mua - bán lớn. Trong khi đó, khoảng cách giá mua - bán của vàng nhẫn tròn trơn thấp hơn, khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Tính đến 16h20 chiều ngày 19/2, giá vàng SJC hai chiều mua - bán ở mức 74,9 và 77,9 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng so với ngày hôm qua. Mức giá này cao hơn khoảng 15 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới. Khoảng cách giá mua - bán của vàng SJC lên tới 3 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa, khi vàng vừa đến tay, người mua đã lỗ 3 triệu đồng/lượng.
Điều này là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng miếng trong ngày vía Thần Tài năm nay giảm sâu trong khi các năm khác thường tăng mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hai lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm bớt chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đối với vàng miếng. Mới đây nhất, ngày 15/2, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý tổng kết Nghị định 24 và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý I để "phù hợp tình hình mới".
Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
“Người tiêu dùng cho rằng trong tương lai giá vàng SJC sẽ giảm nếu ngân hàng nhà nước có biện pháp tạo nguồn cung cho SJC. Do đó, rủi ro mua vàng miếng sẽ cao hơn so với vàng 9999”, ông Khánh nói.
Nguyên nhân thứ hai khiến giá vàng nhẫn trơn năm nay tăng mạnh do thiếu nguồn nguyên liệu.
“Mọi năm các doanh nghiệp còn có thể mua vàng trên thị trường tự do nhưng năm nay Bộ Công An cho rằng đó là nguồn nhập lậu nên kiểm soát gắt gao các nguồn nguyên liệu đó. Các doanh nghiệp cũng e ngại nhập nguồn nguyên liệu này do không có chứng từ đầu vào. Đây cũng là vẫn đề mà hiệp hội kinh doanh vàng kiến nghị nhiều lần để có nguyên liệu sản xuất nữ trang. Tuy nhiên, hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được. Đây là nguyên nhân khiến vàng nhẫn trơn trở nên khan hiếm”, ông Khánh nói.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng hiện nay giá trị đồng tiền Việt Nam rất ổn định; tỷ giá cũng rất ổn định. Chính vì thế người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán và không có khái niệm "vàng hóa".
Vì thế, nếu chúng ta không khuyến khích người dân tích trữ vàng miếng nữa, theo chủ trương của Nhà nước là tập trung vào sản xuất trang sức để tăng giá trị thặng dư, tập trung vốn vào sản xuất và xuất nhập khẩu, thì phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay.
Nếu quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa.