|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng lên xuống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau

14:41 | 22/08/2017
Chia sẻ
Thực tế cho thấy, giá vàng lên xuống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, từ diễn biến tình hình kinh tế, chính trị, đến nhu cầu tiêu thụ vàng trên toàn thế giới, đặc biệt là chính sách của Fed và nhu cầu về vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ, đây là hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
gia vang len xuong bat nguon tu nhieu yeu to khac nhau
Ảnh minh họa.

Trong những ngày qua, căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên đã đẩy giá vàng tăng cao, dẫn đến những đồn đoán cho rằng, giá vàng sẽ tăng lên 1.400 USD/oz vào cuối năm nay.

Trong phiên giao dịch ngày 14/8/2017, giá vàng đóng cửa ở mức 1.281,86 USD/oz, tăng 12,0% so với đầu năm do lo ngại, chiến tranh giữa Mỹ và Triều sẽ bùng nổ sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump là sẽ tấn công Triều Tiên nếu Bình Những tấn công hạt nhân vào đảo Guam, nơi đồn trú các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Mặt khác, giá vàng tăng lên cùng với đà tăng chóng vánh của tiền ảo Bitcoin và một số loại tiền ảo khác, điều này khiến nhiều nhà đầu tư sốt ruột và nhanh chóng vào cuộc với mục tiêu phổ biến là kiếm lời.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp và nhà đầu tư thận trọng đã chọn vàng thay vì đầu tư vào tiền ảo, cổ phiếu hay những tài sản khác. Đối với những nhà đầu tư này, giá tiền ảo tuy đang tăng mạnh một cách nhanh chóng, nhưng có thể sẽ lao dốc sau hàng loạt vụ tấn công mạng và nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) sẽ thắt chặt quản lý hoạt động kinh doanh tiền ảo.

Theo nhận định của trưởng bộ phận kim loại quý từ một ngân hàng đầu tư tại CHLB Nga, giá vàng có thể đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 4 năm vào cuối năm nay do căng thẳng chính trị giữa Triều Tiên và Mỹ, đồng thời nhu cầu vàng tại những quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới có thể sẽ tăng cao.

Theo nhận định của Evgeny Ananiev (Trưởng bộ phận phụ trách đầu tư kim loại quý thuộc VTB Capital JSC), giá vàng có thể đạt mức 1.360 USD/oz trong vòng 3 tháng tới, trước khi tăng cao nữa do rủi ro chính trị sẽ thúc đẩy nhu cầu mua vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo dự báo của Chirag Sheth (chuyên gia phân tích đến từ Metals Focus Ltd.), giá vàng tăng lên mức 1.400 USD trong vòng 6-9 tháng tới do căng thẳng hạt nhân tại Triều Tiên sẽ khiến các nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng nhằm bảo toàn tài sản. Ngoài ra, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải lùi thời điểm tăng lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giá vàng.

Theo diễn biến thực tế trên thị trường, sau khi căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt, giá vàng vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Ngày 16/8/2017, ngay sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 7, giá vàng trên sàn chứng khoán Phố Wall có lúc lên tới 1.285,1 USD/oz, trước khi đóng cửa ở mức 1.282,9 USD/oz.

Đà tăng này tiếp tục được phát huy trong phiên giao dịch sau đó (ngày 17/8) với mức giá đóng cửa 1.292,4 USD/oz, nhưng giảm nhẹ xuống 1.291,6 USD/oz vào ngày 20/8/2017. Vì thế, giá vàng tiếp tục tăng bắt nguồn từ biên bản cuộc họp của Fed với những từ ngữ bộc lộ lo lắng ngày càng tăng của các nhà hoạch định chính sách tại Fed về khả năng lạm phát thấp có thể kéo dài, buộc Fed phải tiếp tục duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó hỗ trợ tăng lạm phát.

Trong khi đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang do Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành tập trận chung tại Hàn Quốc trong thời gian 21-31/8/2017. Mặt khác, nhu cầu về vàng tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trong năm nay mặc dù GDP tiếp tục tăng chậm dần, yếu tố tiếp theo là những nhận định về khả năng NHTW các nước phát triển chưa thắt chặt chính sách tiền tệ do tăng trưởng kinh tế còn rất yếu ớt.

Tại Mỹ, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia là tăng 1,8%. Việc chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt sẽ gây khó khăn cho Fed tăng lãi suất thêm lần nữa từ nay đến cuối năm.

Tại Trung Quốc, Bloomberg dẫn số liệu thống kê cho thấy, kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong những tháng cuối năm 2017, nhưng NHTW Trung Quốc vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện mục tiêu đưa GDP và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 tăng gấp hai lần so với năm 2010.

Trên thực tế, giá vàng trong thời gian qua tăng lên ngưỡng 1.280 USD/oz là diễn biến bình thường, thấp xa so với lập kỷ lục 1.364,9 USD/oz vào ngày 06/7/2016. Trong phiên giao dịch ngày 17/4/2017, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á có lúc lên đến 1.296,1 USD/oz.

Tiếp đó, vào ngày 07/6/2017, giá có lúc lên tới 1.297,4 USD/oz (đóng cửa ở mức 1.291,9 USD/oz), khi USD liên tục giảm giá do những bất ổn chính trị giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên khiến giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng. Sau đó, hệ thống giao dịch tự động ghi nhận giá vàng tương lai giảm xuống mức 1.283,4 USD/oz, giá vàng giao ngay xuống mức 1.282,0 USD/oz.

Trong năm 2016, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đóng cửa ở mức 1.155,12 USD/oz, chỉ tăng 8,9% so với năm trước, nhưng chấm dứt ba năm liên tục mất giá.

Theo thông tin từ Reuters trích dẫn báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng thế giới trong năm 2016 tăng gần 93 tấn (khoảng 2,0%) lên 4.309 tấn. Đây cũng là năm ghi nhận các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) tiếp tục mua vào, với mức mua ròng khoảng 532 tấn.

Theo nhận định của ông Alistair Hewitt (trưởng bộ phận phân tích thị trường vàng thuộc WGC), sự kiện Brexit và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã tạo ra “sự xáo trộn chính trị ở cấp độ” chưa từng có tiền lệ, qua đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào vàng. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn im ắng trong phần lớn thời gian của năm cũng đã phản ứng nhanh chóng khi giá vàng giảm trong quý 4/2016, điều này thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu vàng vật chất.

Trong năm 2016, nhu cầu đầu tư vàng vật chất (bao gồm vàng thỏi và vàng miếng) đã giảm 9%, một phần do Ấn Độ hạn chế nhập khẩu vàng đã đẩy giá vàng tăng cao, trong khi nhu cầu vàng nữ trang toàn cầu giảm 15% còn 2.042 tấn. Tuy nhiên, do các ETF tăng mua vàng, nên nhu cầu vàng toàn cầu vẫn tăng trong cả năm.

Các NHTW có năm mua vàng thứ 7 liên tiếp, nhưng lượng mua ròng đã giảm khoảng 30% xuống gần 384 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2010. Nhu cầu vàng của Ấn Độ giảm 21% còn 675,5 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, tổng nhu cầu vàng trong năm 2016 giảm 7% xuống dưới 914 tấn, nhưng dự báo sẽ tăng lên mức 950-1.000 tấn trong năm 2017.

Theo nhận định do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào tháng 4/2017, sau khi giảm xuống mức thấp 1.125 USD/oz vào cuối tháng 12/2016, giá vàng trong quý I/2017 tăng nhẹ và đạt mức giá trung bình 1.219 USD/oz, nhưng lên xuống thất thường. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao trước xu hướng bất định chính sách và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Giá vàng giảm sâu trước khi Fed tăng lãi suất vào giữa tháng 3/2017, nhưng tăng mạnh trở lại và chạm ngưỡng 1.300 USD/oz ngay trong những ngày đầu tháng 4/2017 khi các nhà đầu tư tăng mua vàng để bảo toàn tài sản. Có nhiều yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá, chủ yếu là do căng thẳng địa chính trị tại Afganistan, Syria, Bán đảo Triều Tiên, rối loạn trong mối quan hệ giữa Mỹ và CHLB Nga, các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại một số nước châu Âu với đồn đoán chủ nghĩa dân túy sẽ lên ngôi. Ngoài ra phải kể đến bất ổn lạm phát, thâm hụt thương mại và tài khóa, giá USD giảm thấp.

Tại Ấn Độ, nhu cầu về vàng được kỳ vọng sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh vào cuối năm 2016 do quyết định ngừng lưu hành loại tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupiah trong lưu thông từ cuối tháng 11/2016 đã dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt. Ngoài ra, GDP tại Ấn Độ tăng liên tục trong thời gian và những năm tới sẽ góp phần tăng thu nhập của người dân, và nhu cầu về vàng cũng tăng theo.

Dữ liệu từ các báo tại địa phương cho thấy, nhập khẩu vàng của Ấn Độ tăng mạnh trong quý 1/2017, với tổng lượng nhập khẩu lên tới 230 tấn vàng. Trước đó, từ tháng 4 tới tháng 10 năm 2016, Ấn Độ chỉ nhập khẩu khoảng 264 tấn vàng.

Trong giai đoạn từ tháng 11/2016 đến tháng 3/2017, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã đạt 360 tấn, cao hơn 35% so với tổng lượng vàng nhập khẩu trong 7 tháng trước đó. Người dân Ấn Độ đua nhau mua vàng hơn là giữ tiền do lo ngại lạm phát, và điều này là tin tích cực cho vàng.

Ông Chirag Sheth nhận định, nhu cầu vàng tại Ấn Độ phục hồi trở lại sau khi suy yếu vào năm 2016 và lượng tiêu thụ đá quý trong năm nay tăng 6%, với lượng vàng nhập khẩu dự kiến đạt 800 tấn vào cuối năm 2017.

Dữ liệu từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy, nhu cầu vàng miếng tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới tăng trên 50% trong 6 tháng đầu năm 2017, trong khi tổng lượng tiêu thụ tăng gần 10% lên khoảng 545,2 tấn.

Như vậy, giá vàng lên xuống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, từ diễn biến tình hình kinh tế, chính trị, đến nhu cầu tiêu thụ vàng trên toàn thế giới, đặc biệt là chính sách của Fed và nhu cầu về vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ, đây là hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Hoàng Thế Thỏa

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.