|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng đỏng đảnh mùa dịch bệnh bùng phát

21:45 | 08/03/2020
Chia sẻ
Khi vàng vượt mức 1.680 đô la Mỹ/ounce trong ngày 24-2-2020, nhiều nhà bình luận của thị trường lên tiếng nói như là vàng sẽ đạt 1.800 đô la Mỹ/ounce ngay tuần sau. Chỉ bốn ngày sau đó, vàng đã quay trở về dưới 1.600 đô la Mỹ/ounce, thấp nhất là gần 1.560 đô la Mỹ/ounce.
Giá vàng đỏng đảnh mùa dịch bệnh bùng phát - Ảnh 1.

Đáng chú ý là vàng giảm gần 3% chỉ trong hơn hai tiếng đồng hồ của ngày 28-2, cùng lúc với việc nhiều chỉ số cổ phiếu cũng đang tiếp tục giảm giá như “đi thang máy xuống”.

Có gì đó không bình thường ở đây! Vì sao cổ phiếu rớt giá mà vàng cũng giảm giá? Chẳng phải vàng là điểm trú ẩn an toàn, khi cổ phiếu giảm thì vàng phải tăng sao? Và rõ ràng, một trong những điểm trú ẩn an toàn là trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng giá, đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm xuống dưới 1,15%. Điều gì đang xảy ra?

Một lý giải của các nhà phân tích là một số nhà đầu tư đã bán vàng để bổ sung vào số dư tài khoản ký quỹ (margin account). Thường nhà đầu tư chỉ làm như vậy nếu họ đang giữ vị thế mua cổ phiếu và muốn tiếp tục giữ cổ phiếu khi đang thua lỗ. Một lý giải khác là nhiều nhà đầu tư mua vàng ở mức thấp dưới 1.520 đô la Mỹ/ounce, bây giờ quyết định chốt lời khi thấy mức tăng của vàng đã chậm lại và có dấu hiệu điều chỉnh giảm xuống.

Tóm lại, đó là cách mà các nhà phân tích và phương tiện truyền thông cố tìm cách giải thích diễn biến của giá vàng sau khi thị trường đóng cửa. Nhưng cái mà nhà đầu tư quan tâm là giá vàng sắp tới sẽ ra sao, điều mà không ai có thể biết chắc.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định giảm lãi suất đô la Mỹ tới 0,5 điểm phần trăm được xem là cơ sở để vàng tăng giá vì lãi suất đô la Mỹ giảm thường sẽ đẩy đô la Mỹ mất giá. Điều này có lợi cho vàng.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng vàng sẽ tăng giá khi Fed cắt lãi suất không phải lúc nào cũng đúng. Khi Fed cắt lãi suất vào tháng 7 năm ngoái, vàng đã giảm thay vì tăng, vì những phát biểu sau đó của Chủ tịch Fed khiến triển vọng cắt lãi suất tiếp tục giảm đi.

Yếu tố hỗ trợ lớn nhất cho dự đoán vàng sẽ lên trên 1.700 đô la Mỹ/ounce lúc này vẫn là nỗi sợ suy thoái kinh tế toàn cầu đến từ dịch Covid-19. Những chỉ số kinh tế vĩ mô công bố gần đây cho thấy tác động của dịch Covid-19 rõ ràng là khá lớn. 

Chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc cũng “rơi tự do” như giá cổ phiếu, từ mức 50 hồi tháng 1 xuống 35,7 trong tháng 2. Ai quan sát chỉ số PMI thường xuyên sẽ biết chỉ số này thường chỉ biến động dưới 1 điểm, từ 2-3 điểm đã là biến động lớn rồi. Lần này mức biến động là trên 10 lần so với mức thông thường.

Giới phân tích đã dự đoán chỉ số này sẽ giảm, nhưng chỉ dự đoán mức giảm tới 45 hoặc nhiều lắm là 40, vẫn lạc quan hơn khá xa với thực tế. Chỉ số phi sản xuất của Trung Quốc còn chứng kiến mức giảm tệ hơn, xuống dưới mức 30 điểm từ mức trên 50 điểm. Đây mới chỉ là những con số đến từ một nền kinh tế đã bị “tàn phá” trong suốt tháng 1 và tháng 2. Sự lây lan của dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tăng tốc từ nửa cuối tháng 2. Vì vậy tác động xấu của dịch cúm này có thể còn kéo dài.

Trước khi Fed hạ lãi suất khẩn cấp, ngân hàng trung ương nhiều nước/vùng lãnh thổ đã cắt giảm lãi suất và được dự đoán sẽ còn cắt giảm lãi suất. Thị trường vẫn đang kỳ vọng một số nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tăng chi tiêu công để làm giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. 

Một trong những biện pháp đáng chú ý là Hồng Kông đã tung ra một gói hỗ trợ 15,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó bao gồm việc chi 10.000 đô la Hồng Kông (khoảng 1.280 đô la Mỹ) cho mỗi công dân cư trú lâu dài trong độ tuổi từ 18 trở lên của mình.

Ý cũng đang yêu cầu các nước trong Liên minh châu Âu xem xét chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách linh hoạt hơn và xem xét một đợt chi tiêu ngân sách để hỗ trợ kinh tế châu Âu. Đợt xem xét ngân sách sắp tới của nước Anh cũng được dự đoán sẽ có những khoản chi tiêu lớn, chấm dứt xu thế thắt lưng buộc bụng của chính phủ trước đó.

Tuy những chính sách này không thể đem người du lịch trở lại hay giải cứu ngành hàng không, càng không thể giúp chuỗi cung ứng đang gián đoạn ở Trung Quốc có thể vận hành lại ngay, nhưng nó lại có thể giúp ổn định tâm lý thị trường tài chính. Tâm lý thị trường ổn định có thể khiến giới hạn đà tăng của giá vàng.

Đây là những lý do có thể khiến cho vàng vẫn còn có thể tiếp tục “đỏng đảnh”, lúc lên lúc xuống khó đoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một điều có thể thấy rõ, vàng đang được rất nhiều quỹ đầu tư bổ sung vào danh mục nắm giữ của mình, thể hiện qua số liệu vị thế mua vàng ở các hợp đồng tương lai. 

Theo dữ liệu của CFTC (Commodity Futures Trading Commission) về thị trường tương lai vàng, tính đến ngày 25-2, các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp đang nắm hơn 260.000 hợp đồng tương lai ở vị thế mua vàng, chiếm 35% số hợp đồng, trong khi chỉ có hơn 4% ở vị thế bán.

Với nhiều nhà đầu tư, giữ vàng không chỉ là để đầu cơ, là một cách cân bằng lại danh mục đầu tư trong một năm nhiều bất định phía trước (chẳng hạn để phòng ngừa lại rủi ro cổ phiếu rớt giá). Vì vậy, không có gì lạ khi nhiều người vẫn sẽ “gom vàng”, chờ một lý do nào đó để lại đăng đàn phân tích, và nói rằng vàng sẽ hướng về những mức giá không tưởng. Đó lại thường là lúc những nhà đầu tư mua vàng ở mức thấp bán ra. Với vàng, cuộc chiến về niềm tin đó chưa bao giờ kết thúc nên giá vàng chưa bao giờ hết đỏng đảnh. Trong những năm nhiều bất định như thế này, vàng càng được chú ý hơn và càng đỏng đảnh hơn.

Hồ Quốc Tuấn