'Sẽ rất dại dột nếu loại trừ khả năng giá vàng tăng lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay'
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Kitco News, ông Ryan Giannotto - Giám đốc bộ phận nghiên cứu của GraniteShares, cho hay lần gần nhất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản là vào năm 2008. Sau khi thông báo đó, giá vàng đã bắt đầu đi lên và tăng hơn 17% trong cùng năm.
"Chúng tôi đã chứng kiến 7 lần hạ lãi suất khẩn cấp trước đây và giá vàng đã tăng trung bình 26% trong hai năm đầu sau mỗi sự kiện đó", ông Giannotto cho hay. "Vậy nên, sẽ rất dại dột nếu loại trừ khả năng giá vàng tăng lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay".
Bình luận của ông Giannotto được đưa ra trong bối cảnh giá vàng có một ngày tương đối tĩnh lặng trong phiên giao dịch hôm 4/3 (theo giờ Mỹ). Theo ghi nhận gần đây nhất, giá vàng giao kì hạn tháng 4 đã giao dịch ở ngưỡng 1,641,4 USD/ounce, giảm 0,18% trong ngày.
Vị chuyên gia trên cho hay ông rất lạc quan rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao khi mà thị trường tài chính hiện đang biến động dữ dội.
Ông Giannotto lưu ý rằng khi Fed bắt đầu chu kì nới lỏng chính sách tiền tệ mới vào năm ngoái, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã đảo chiều và giờ thị trường lại đón nhận một đợt hạ lãi suất khẩn cấp.
"Bất kì yếu tố nào trong số này cũng sẽ có lợi cho giá vàng và chúng tôi hiện nhận thấy có ba kịch bản như vậy", ông Giannotto chia sẻ với Kitco News.
Ông Giannotto cho hay khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm xuống dưới 1%, nhà đầu tư bắt đầu tranh luận mạnh mẽ rằng trái phiếu không còn tạo ra sự yên tâm như đã từng trong quá khứ.
"Năm ngoái, bạn có thể bán hết trái phiếu, đầu tư số tiền có được vào vàng và thu về khoản lợi nhuận vừa phải trong danh mục đầu tư sau khi cân bằng các yếu tố rủi ro. Lúc này, chúng ta buộc phải ngừng xem vàng như một khoản đầu tư bất chợt mà phải nhìn nhận nó như một loại tài sản chính thống", ông Giannotto lí giải.
Cũng như nhiều nhà kinh tế khác, ông Giannotto cảnh báo Fed không chỉ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vào một vùng điều chỉnh mới mà còn cho rằng động thái hạ lãi suất khẩn cấp không thể mang lại hiệu quả trong việc chống lại tác động kinh tế của dịch virus corona (COVID-19).
"Việc hạ lãi suất sẽ đảm bảo rằng hệ thống tài chính có thanh khoản dồi dào nhưng không có khả năng kích thích tăng trưởng", ông nói. "Động thái đó không thể thực sự giải quyết vấn đề nhưng có thể giảm bớt một số triệu chứng".