Giá vàng, dầu thế giới trái chiều
Trên thị trường vàng, giá vàng dứt chuỗi tăng 4 phiên liêp tiếp và chốt phiên 19/8 giảm gần 1% sau khi các nhà hoạch định chính sách Fed chia rẽ quan điểm về việc tăng lãi suất trong năm nay. Dù vậy, xét cả tuần, vàng vẫn ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Cụ thể, tính đến 18h57 tại Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.342,62 USD/ounce. Trong phiên giao dịch, có lúc giá vàng giảm 1,5% xuống thấp nhất phiên ở 1.337,37 USD/ounce. Tuy nhiên, trong cả tuần, giá vàng giao ngay vẫn tăng khoảng 0,6%.
Giá vàng giao tháng 12/2016 của Mỹ cũng chốt phiên 19/8 giảm 0,8% xuống 1.346,2 USD/ounce.
Cùng ngày, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR giữ nguyên dự trữ vàng ở mức 955,99 tấn sau hai phiên liên tiếp bán ra.
Tuần qua, biên bản họp chính sách tháng 7 của Fed là yếu tố chi phối giá vàng thế giới. Việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ đưa ra quan điểm không đồng nhất về lãi suất đã tạo ra rất nhiều đồn đoán trên thị trường, khiến giới đầu tư vào vàng cũng dè dặt giao dịch hơn.
"Chúng ta đã được nghe những ý kiến mâu thuẫn từ Fed và nó khiến thị trường rất bối rối. Bây giờ, giới đầu tư chỉ đợi nhận định của Chủ tịch Fed Janet Yellen về tình hình thế giới và tăng trưởng kinh tế trong hội thảo thường niên của các ngân hàng trung ương thế giới trong tuần tới tại Jackson Hole, Wyoming", Ole Hansen - chiến lược gia cấp cao về hàng hóa tại ngân hàng Saxo.
Một yếu tố khác đẩy giá vàng tăng trong tuần qua là tình trạng suy yếu của USD. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, USD lại tăng 0,4% so với rổ 6 đồng tiền lớn khi giới đầu tư đánh giá lại khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối năm nay. Trong khi đó, chứng khoán tại các thị trường lớn trên thế giới đồng loạt giảm trong phiên 19/8.
Tương tự vàng, các kim loại quý phổ biến khác cũng giảm mạnh. Giá bạc giảm 2,6% xuống thấp nhất gần 1 tháng ở 19,23USSD/ounce. Giá bạch kim và palladium lần lượt giảm 1,1% và 0,5%.
Trái ngược với thị trường kim loại quý, thị trường dầu thô duy trì đà tăng ổn định kể từ đầu tháng 8/2016 với mức tăng gần 10 USD/thùng, nhờ quan điểm lạc quan về vòng đàm phán của OPEC trong tháng 9 tới. Trong đó, dầu thô của Mỹ ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2016 sau khi đã phục hồi gần 25% trong 2 tần trước đó.
Giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,6% lên 48,22 USD/thùng vào cuối phiên 19/8, và tăng 9% trong cả tuần. Dầu WTI ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu Brent chỉ giảm 1 penny xuống còn 50,88 USD/thùng và ghi nhận mức tăng 8% cho cả tuần. Đây là tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp của dầu Brent.
Tuy nhiên, giới phân tích lại không lạc quan về đà tăng giá này của thị trường dầu. "Chúng tôi cho rằng, sau khi tăng gần 10 USD trong tháng 8/2016, giá dầu rất có thể sẽ giảm đồng mức trong tháng tới", theo chuyên gia phân tích Jim Ritterbusch tại công ty tư vấn dầu mỏ Ritterbusch & Associates (Chicago).
Theo Morgan Stanley, nguyên nhân là, yếu tố chính đẩy giá dầu phục hồi trong giai đoạn này không phải là những chỉ số cơ bản của thị trường dầu. Bởi, nhu cầu dầu thô, xăng trên toàn cầu đều đang giảm dần. Thậm chí, nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cũng đang giảm xuống.
Tháng 9 tới, OPEC sẽ tổ chức họp không chính thức tại Algeria với các nước nằm ngoài hiệp hội về vấn đề cắt giảm sản lượng. Nhiều đồn đoán cho rằng, các bên sẽ không đạt được thỏa thuận nào vì Saudi Arabia đang tìm cách xuất khẩu nhiều dầu thô hơn ra thế giới.