Giá trị tài sản ròng quỹ VOF thuộc VinaCapital tăng 3,6% trong tháng 8
Theo báo cáo mới nhất của quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) thuộc VinaCapital, sau 5 tháng giảm, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ VOF trong tháng 8 đã tăng 3,6% lên 1.040,5 triệu USD. Tuy vậy, tính từ đầu năm đến nay, NAV của quỹ VOF vẫn giảm 18,9%.
Diễn biến giá trị tài sản ròng của quỹ VOF từ đầu năm đến nay (Nguồn: VinaCapital). |
Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ có thể kể đến như HPG của Tập đoàn Hòa Phát (14%), VNM của Vinamilk (6,3%), VJC của Vietjet (4,6%), PNJ (6,1%)… Về cơ cấu tài sản, tỷ lệ tiền mặt tăng từ 3,7% trong tháng 7 lên 4,6% trong tháng này.
Danh mục 10 khoản đầu tư lớn nhât của quỹ VOF tính đến 31/8 (Nguồn: VinaCapital). |
Cùng chung tin vui với quỹ VOF, PYN Elite Fund lần đầu tiên báo tăng trưởng tài sản quản lý trở lại trong tháng 8 sau 6 tháng sụt giảm liên tiếp, những cổ phiếu đóng góp lớn vào kết quả của quỹ gồm có VND, HBC, HDB.
Tính đến ngày 31/8, tổng giá trị tài sản quỹ này quản lý đạt 423 triệu Euro, các khoản đầu tư lớn nhất gồm có MWG chiếm 15%, TP Bank và HD Bank lần lượt 7,9% và 6,8%...
VinaCapital cho biết, thị trường chứng khoán toàn cầu có xu hướng xấu đi bởi các yếu tố như diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ nhưng với mức độ ảnh hưởng ít hơn.
VN-Index tăng trở lại với mức tăng 3,4% tính đến hết tháng 8. Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ của VOF đạt 5,45 USD, tăng 3,6% trong vòng một tháng.
Mặc dù khối ngoại bán ròng 55 triệu USD trong tháng 8 nhưng các nhà đầu tư trong nước lại mua vào làm cho VN-Index đóng cửa một vài phiên gần mốc tâm lý 1.000 điểm. Đây là lần đầu tiên trong thời gian gần đây, VinaCapital nhận thấy các nhà đầu tư trong nước có động thái trái ngược với khối ngoại.
Với mức áp thuế bổ sung 267 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc, thị trường mới nổi và cận biện vẫn chưa thể qua thời kỳ nguy hiểm.
Bình luận về kinh tế Việt Nam, VinaCapital cho biết các nhà đầu tư khá cảm thấy yên tâm khi đồng Việt Nam không có nhiều biến động bất chấp những diễn biến tiêu cực đến từ các thị trường mới nổi khác.
Lạm phát giảm từ 4,5% trong tháng 7 xuống 4% trong tháng 8 mặc dù giá thịt lợn tăng do bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc.
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ đóng góp lớn từ hộ gia đình (chiếm 65% GDP) và khu vực sản xuất (16% GDP). Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động trong tháng 6 đã hỗ trợ rất lớn cho sản lượng sản xuất trong nước khi tăng tới 13,3% trong tháng 8.
Biến động tiền tệ tại các thị trường mới nổi và cận biên đang ngày càng lan rộng do ảnh hưởng xuất phát từ sự mất cân bằng vĩ mô nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Đồng tiền của hai quốc gia này giảm lần lượt khoảng 20% và 30% trong tháng 8.
VinaCapital cho rằng, tỷ giá VND chỉ giảm 0,07% trong tháng 8 là một tín hiệu tích cưc, giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng dự trữ ngoại hối.
Quỹ này dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ vượt quá 3% GDP trong năm 2018. Tính đến hết tháng 8, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD trong khi Ấn Độ, Indonesia và Philippines đều thâm hụt.