Giá tiêu có thể đạt 100.000 đồng/kg trong quý III?
Giá tiêu tiếp tục đà phục hồi trong năm 2022?
Trong năm 2021, giá tiêu bất ngờ tăng mạnh trở lại sau nhiều năm neo ở mức thấp do nguồn cung dư thừa. Nhiều câu hỏi đặt ra liệu rằng giá tiêu có thể duy trì đà tăng này trong năm 2022 hay không.
Tại cuộc họp ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA cho rằng trong năm 2022, các doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề vĩ mô ảnh hưởng đến xuất khẩu bao gồm việc tăng giá tiền đồng so với USD khiến xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Đại dịch làm cho lạm phát toàn cầu trung bình khoảng 4% khiến giá thực phẩm tăng 20%, giá phân bón toàn cầu tăng 50%, giá nhân công tăng 50%, vấn đề sốt đất, đầu cơ đất tại Việt Nam, vấn đề tăng cước tàu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ là rủi ro mà ngành hồ tiêu phải đối mặt.
Do biến động lớn về giá vận tải quốc tế nên về lâu dài các doanh nghiệp cũng cần tính đến khả năng chia sẻ rủi ro với đối tác do sự biến động giá cước khi ký hợp đồng. Năm 2022 có thể chứng kiến sự tăng giá trở lại, sau khi hết vụ thu hoạch, khả năng từ quý 2 trở đi thị trường có dấu hiệu sôi động.
Đánh giá về vụ mùa vụ 2022, ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy cho rằng sản lượng không cao hơn năm 2021.
Ở phía Bắc như huyện Đăk Mil chỉ có lá mà trái rất ít trong khi Đăk Song và Đăk R’Lấp thì sản lượng tương đương năm ngoái. Giá tốt đã khuyến khích người nông dân bỏ phân, thâm canh, tưới sớm nên tính bình quân sản lượng hồ tiêu Đăk Nông bằng hoặc không thấp hơn năm ngoái.
Hiện giá đang ở mức ổn định ở mức 78.000 đồng/kg do hầu hết các doanh nghiệp FDI đã trữ đủ hàng và ngưng mua. Thêm vào đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc chậm lại do dịch bệnh.
Đắk Nông sẽ thu rộ sau tết, dự báo hoàn thành cuối quý 1/2022. Đây là vùng được quan tâm do có ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
"Khả năng giá có thể tăng vào tháng 3-4 do Trung Quốc tăng mua sau khi mở cửa trở lại và các đại lý trong nước tăng tích trữ hồ tiêu sau khi mùa vụ cà phê kết thúc. Đến quý 2, giá có thể tăng từ 85.000-90.000 đồng/kg và mức giá 100.000 đồng/kg có thể đạt vào tháng 9-10", ông Thu nhận định.
Sự trở lại của "Vàng đen"
Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hồ tiêu Việt Nam sau 4 năm chật vật.
Giá hồ tiêu tăng mạnh do diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp trong những năm trước, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác.
Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng làm giảm sản lượng hồ tiêu của Việt Nam. Ngay từ đầu năm, giá hồ tiêu đã tăng 40 - 44%, từ 51.000 – 53.000 đồng/kg thời điểm giữa tháng 2 lên 76.000 – 79.500 đồng/kg vào ngày 19/3 dù đang trong vụ thu hoạch hồ tiêu.
Điểm nổi bật là thời điểm cuối tháng 10 khi giá tăng lên 90.000 đồng/kg, mức cao nhất kể từ cuối năm 2017.
Sau đó thị trường có phần trầm lắng hơn trong 2 tháng cuối năm do các nhà xuất khẩu đã gom đủ hàng xuất khẩu trong khi nhu cầu của thị trường Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng và dòng tiền cũng chuyển sang thị trường cà phê khi giá mặt hàng này chạm đỉnh 10 năm.
Theo đó, từ mức thu mua bình quân 3.000-4.000 tấn/tháng thì trong tháng 10 Trung Quốc chỉ mua 546 tấn, tháng 11 mua 463 tấn, tháng 12 mua 513 tấn.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, giá tiêu đen trong nước dao động từ 79.500 – 82.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 90.000 đồng đạt được vào cuối tháng 10 và mức kỳ vọng 100.000 đồng/kg.
Tuy vậy năm 2021 vẫn là một năm khởi sắc của thị trường hồ tiêu Việt Nam, chuỗi giảm giá kéo dài 4 năm liên tiếp đã kết thúc và một chu kỳ tăng giá mới đã được báo hiệu trong ngành hồ tiêu.
Giá tiêu tăng tăng mạnh tuy nhiên theo VPA, với mức giá này người nông dân trồng tiêu vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi giá phân thuốc, nhân công tăng do lạm phát và ảnh hưởng đại dịch.
Đồng thời, tình trạng sốt đất tại một số tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ trong thời gian qua càng làm cho tâm lý người nông dân trồng tiêu bị xao động, không chuyên tâm vào canh tác hồ tiêu, sẵn sàng bán vườn, chuyển đổi canh tác khi đất được giá. Thực tế một số nông hộ cũng đã chuyển sang làm điện gió.