|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép tăng chóng mặt, liệu có hiện tượng găm hàng, ép giá?

16:33 | 04/05/2021
Chia sẻ
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương việc găm hàng, ép giá thép tăng khó thể xảy ra, mà nguyên nhân chính đẩy giá mặt hàng này "nóng" lên chính là do phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), tình hình giá thép đang tăng đột biến, đặc biệt trong tháng 4 vừa qua, giá thép đã tăng từ 30 - 40% so với quý cuối năm 2020.

Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, giá thép này ở Đà Nẵng được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg. 

Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả thương hiệu thép cũng đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với giá cuối quý IV/2020. Thực tế này đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Đáng chú ý, trước diễn biến giá thép không ngừng leo thang, nhiều ý kiến đặt nghi vấn rằng liệu có đang xảy ra tình trạng găm hàng, ép giá tại một số doanh nghiệp nhằm trục lợi khi giá tăng cao?

VTV dẫn thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết sản lượng thép xây dựng tháng 2 rất thấp, chỉ hơn 600.000 tấn nhưng đến tháng 3 là hơn 1,2 triệu tấn. 

"Nguồn cung thép trong nước không thể thiếu, nhưng có thể các nhà thương mại đã tích trữ nguồn thép khi thấy giá thép tăng", bà Trang Thu Hà, Chánh Văn phòng VSA nhận định.

Trước nghi vấn này, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng: "Việc găm hàng ở các cơ sở sản xuất lớn khó xảy ra vì kho bãi giới hạn, chi phí, vốn lưu động của ngành thép rất lớn. Bộ Công Thương đã cử Quản lý thị trường, Hiệp hội thép theo dõi. Nếu chăng có chỉ rơi vào một số đại lý nhỏ chứ không thể ở các cơ sở sản xuất lớn".

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao thực chất là do giá nguyên liệu đầu vào cao. 

Cụ thể, hiện nay nguyên liệu đầu vào của ngành thép nhập khẩu chiếm đến 90%, nhất là quặng sắt. 

Tổng công suất của các nhà máy trong nước khoảng 14 triệu tấn, trong đó, thép sản xuất từ quặng chiếm 60% nhưng cơ bản đều phải nhập.

Cùng kỳ năm ngoái, giá quặng là 90 USD/tấn, nhưng hiện nay giá quặng đã lên 193-195 USD/tấn, tăng bình quân hơn gấp đôi.

Khoảng 40% còn lại là thép phế, cùng kỳ năm 2020 có giá 180-200 USD/tấn nhưng hiện nay lên 450 USD/tấn, gần như tăng gấp đôi. 

"Chi phí đầu vào tăng cao nên đương nhiên đầu ra sản phẩm cũng tăng lên", ông Thành cho hay.

Đối với thép hợp kim, cũng theo đại diện Cục Công nghiệp, năm 2021 dự kiến trong nước sản xuất khoảng 5-6 triệu tấn trong khi đó nhu cầu khoảng 15-16 triệu tấn, có nghĩa là Việt Nam phải nhập khoảng 9-10 triệu tấn. 

Giá thép hợp kim trước đó chỉ khoảng 450-500 USD/tấn, bây giờ có thời điểm xấp xỉ 1.000 USD/tấn.

Cả thép xây dựng, thép hợp kim để sản xuất cơ khí đều tăng, trong khi nhu cầu trong nước tăng mạnh nhờ các dự án lớn đã khởi động lại sau dịch.

Ngoài ra, ông Thành cho biết còn có một số nguyên nhân khác khiến giá thép tăng nóng như Trung Quốc áp thuế, logistics khó khăn cũng làm giá thép Việt Nam tăng lên.

Giá thép tăng chóng mặt, liệu có phải hiện tượng găm hàng, ép giá? - Ảnh 1.

Giá thép đã tăng từ 30 - 40% so với quý cuối năm 2020. (Ảnh: Tinsathep.com)

Trước tình hình giá thép liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có "đơn kêu cứu" gửi văn phòng Chính phủ vì lo ngại nguy cơ vỡ trận, phá sản. 

Trong đó, VACC đề nghị văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến.

Với chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay cơ quan này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào từ các đơn vị về vấn đề kiểm tra giá thép tăng.

Dù vậy, nói về khả năng "can thiệp" vào giá thép, ông Thành cho hay: "Thép không phải là hàng hoá điều chỉnh giá, tuy nhiên Bộ Công Thương sẽ có các giải pháp như chống buôn lậu, xây dựng hàng rào kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý thị trường".

Đồng thời khẳng định nguồn cung hiện nay không thiếu khi tổng nhu cầu lượng thép hợp kim và thép xây dựng của Việt Nam khoảng 26-27 triệu tấn, trong đó, thép xây dựng khoảng 11 triệu tấn và thép hợp kim khoảng 15-16 triệu tấn.

Hiện công suất thép xây dựng là 14 triệu tấn, khả năng sản xuất trên nhu cầu. Với thép chế tạo, nhu cầu trong nước vào khoảng 15-16 triệu tấn nhưng chỉ có Fomosa sản xuất 3 - 4 triệu tấn và Hòa Phát sản xuất được 600.000 tấn, năm nay dự kiến là 3 triệu tấn. Như vậy vẫn thiếu khoảng 9 - 10 triệu tấn.

Theo Cục Công nghiệp hàng năm số tiền chi có mặt hàng này lên đến hàng tỷ USD. Với khối lượng này thì kim ngạch nhập khẩu năm nay có thể lên đến 9-10 tỷ USD vì giá tăng cao.

Cũng theo ông Thành việc giá thép tăng là tình hình chung toàn cầu, không riêng Việt Nam. Đáng lưu ý về điểm yếu hiện nay của ngành thép Việt chính là nguồn cung quặng sắt.

Việt Nam có thể sản xuất phôi và sản phẩm cuối cùng là thép xây dựng nhưng lại phụ thuộc nguyên liệu đầu vào. Do đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị các cấp về cơ chế chính sách liên quan ưu đãi về khuyến khích đầu tư dự án luyện thép hợp kim.

"Nếu khởi động lại các dự án có mỏ trữ lượng lớn như Thạch Khê, Quý Sa để ổn định công suất, đáp ứng 7- 10 triệu tấn quặng sắt/năm thì việc lệ thuộc nhập khẩu sẽ giảm dần", Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp chia sẻ.

Như Huỳnh