|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thanh long rớt thảm còn 3.000 đồng/kg nhưng diện tích vẫn tăng do đâu?

17:22 | 21/06/2020
Chia sẻ
Năm nay, diện tích trồng thanh long trên cả nước ước đạt 50.000 ha, tăng 10.000 ha so với năm ngoái. Nguyên nhân là loại cây này dễ trồng, cần ít nước hơn cây lúa. Do đó, loại cây này được trồng nhiều ở những vùng hay xảy ra hạn hán.

Giá thanh long hiện nay đang giảm mạnh, thậm chí người dân phải đổ cho bò ăn. Theo Báo Công Thương, giá thanh long giảm xuống chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nghịch lí là diện tích trồng thanh long vẫn tăng. 

Để làm rõ hơn vấn đề này, người viết có buổi trao đổi ngắn với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam. 

Giá thanh long rớt thảm còn 3.000 đồng/kg nhưng diện tích vẫn tăng do đâu? - Ảnh 1.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau Củ Quả Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

Giá thanh long năm tiếp tiếp tục giảm thê thảm xuống chỉ còn 3.000 đồng/kg. Điều này cũng đã lặp đi lặp lại nhiều năm liên tiếp. Vậy nguyên nhân là gì thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Thanh long rớt giá là do vụ thu hoạch ở Việt Nam hiện đang trùng với mùa thu hoạch thanh long của Trung Quốc. Khi trùng như vậy, họ sẽ mua ít lại. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra nên việc thông quan hàng hóa trở nên khó khăn hơn. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng thanh long, diện tích trồng thanh long nội địa của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây. Diện tích trồng thanh long trên khắp Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần chỉ trong vòng vài năm.

Tại tỉnh Quảng Tây, tỉnh có sản lượng thanh long cao nhất của Trung Quốc, diện tích trồng thanh long và sản lượng dự kiến đạt lần lượt 20.000 ha và 500.000 tấn trong năm 2020. Theo các chuyên gia, sản lượng thanh long Trung Quốc chủ yếu là thanh long ruột đỏ và được cung cấp chủ yếu tập trung trong nửa cuối năm 2020.

Ở thị trường tiêu thụ nội địa, vụ mùa thanh long trùng với các loại quả khác như vải, chôm chôm, sầu riêng, do đó người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ các loại này nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, hiện đang là vụ chính do đó, sản lượng lớn, nên buộc phải chấp nhận bán giá thấp, ra bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, thậm chí không bán được phải đổ cho bò ăn.

Biện pháp nào khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên:  Một trong những biến pháp để khắc phục tình trạng này đó chính là tập trung vào chế biến sâu như sấy khô hoặc làm dẻo, đóng hộp... Tuy nhiên, dù bán tươi hay chế biến cũng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu thanh thong không an toàn thì nhà máy cũng không dám nhập vào để chế biến.

Những mùa thế này, biện pháp duy nhất là để giảm sản lượng là bẻ bớt nụ. 

Hiện nay, quả thanh long Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, tại sao chúng ta chưa thể mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường châu Âu khi hiệp định EVFTA đã được thông qua và chuẩn bị có hiệu lực?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tới trên 70% lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. 

Mặc dù có bán sang các thị trường như châu Âu hoặc Mỹ nhưng lượng rất ít và chủ yếu được tiêu thụ bởi người châu Á, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Thực tế, người châu Âu và Mỹ thích quả kiwi hơn, còn thanh long họ chưa quen. 

Qủa thanh long phù hợp với thị yếu người châu Á bởi nó phục vụ cho nhu cầu thờ cúng vì có màu đỏ và giá rẻ. Ngoài ra, loại quả này hợp khẩu vị của người dân châu Á hơn. 

Kịch bản giá thanh long rớt thảm lặp đi lặp lại nhưng tại sao diện tích thanh long vẫn tăng, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Mặc dù những năm gần đây, gần như thảm cảnh giá thanh long giảm mạnh, thậm chí phải đổ cho bò ăn cũng lặp đi lặp lại nhưng diện tích thanh long vẫn tăng. Người ta chỉ nói đến việc chặt bỏ tiêu, điều vì giá thấp chứ chưa thấy chặt bỏ thanh long.

Năm nay, diện tích trồng thanh long trên cả nước ước đạt 50.000 ha, tăng 10.000 ha so với năm ngoái. Nguyên nhân là loại cây này dễ trồng, cần ít nước hơn cây lúa. Do đó, loại cây này được trồng nhiều ở những vùng hay xảy ra hạn hán. 

Hơn thế nữa, nếu vào trái vụ, giá thanh long lại rất cao, lên tới 30.000 - 45.000 đồng/kg. Người dân chấp nhận thua lỗ ở một vụ sau đó lấy vụ còn lại để bù. 

Với những doanh nghiệp đã kí hợp đồng thu mua thanh long từ người dân ngay đầu vụ, họ giải quyết bài toán đầu ra thế nào trong bối cảnh khó khăn như hiện nay?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Những doanh nghiệp đã kí thu mua thanh long với dân đang cố gắng để trụ lại bằng cách tìm kiếm thị trường mới, chủ yếu là ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Giá cam kết thu mua khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg với điều kiện đáp ứng được tiêu chuẩn Global GAP. Do đó, trong trường hợp không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, họ vẫn có thể xuất sang thị trường khác với tiêu chuẩn khó tính hơn.

Ngoài ra, họ tập trung cả ở các thị trường nội địa thông qua hệ thống showroom hoặc siêu thị, chợ đầu mối.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp do khó khăn trong việc tiêu thụ thanh long để chuyển sang mảng khác như nhập khẩu trái cây ngoại về bán. 

H.Mĩ