|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người trồng thanh long chặt cây, phá vườn vì càng làm càng lỗ

09:53 | 30/03/2022
Chia sẻ
Nhiều tháng qua, giá thanh long ở Bình Thuận rớt mạnh chưa từng có, chỉ 500 - 2.000 đồng/kg, nông dân quyết định chặt cây, phá vườn vì không thể cầm cự thêm nữa.

Nhiều tháng qua, giá thanh long ở Bình Thuận rớt mạnh, dao động 500 - 2.000 đồng/kg vì xuất khẩu sang Trung Quốc tắc đường, mỗi ngày chỉ thông quan được 10 – 40 container, doanh nghiệp và thương lái không dám thu mua, theo báo Tiền Phong.

Giá loại trái cây này xuống đến mức thấp trong thời gian dài, thậm chí thương lái không mua, nhiều nhà vườn quyết định chặt cây, phá vườn vì không thể cầm cự thêm nữa.

Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận) cho biết gia đình ông đang thu hoạch lứa thanh long khoảng 5 tấn, trái chín cả tuần nay nhưng gọi mãi thương lái mới đến rồi trả giá 1.000 đồng/kg. Thậm chí có thương lái trả mua luôn cả vườn với giá 1 triệu đồng.

“Đầu tư nhiều, mà bán thì lỗ. Cầm cự mãi, nhiều nhà vườn thanh long đã chặt bỏ cây rồi, đến nước này tôi cũng phải bỏ”, ông Dũng buồn bã nói.

Người trồng thanh long chặt cây, phá vườn vì càng làm càng lỗ. (Ảnh: Báo Nông nghiệp) 

Hơn 10 năm đầu tư cây thanh long, chưa năm nào ông Đoàn Quốc Dũng (thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân) chứng kiến giá thanh long xuống thấp suốt thời gian dài như hiện nay.

Hai năm nay, thanh long rớt giá, càng đầu tư càng lỗ vốn, ông Dũng quyết định chặt bỏ vườn cây thanh long ruột đỏ và trồng cây điều thế chỗ.

Nhìn vườn thanh long giờ chỉ còn hàng trụ bê tông, ông Dũng cho biết đầu tư vườn cây tốn hàng trăm triệu tiền vốn, dù xót của nhưng vẫn phải bỏ. "Nếu ráng giữ vườn đến giờ này khiến chúng tôi đã phải thế chấp nhà, đất vay ngân hàng”, ông Dũng nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, đầu năm 2022 diện tích thanh long của tỉnh này là 33.750 ha, sản lượng 700.000 tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu chiếm 85% sản lượng và chủ yếu xuất qua Trung Quốc.

Khi thị trường này biến động, bà con nông dân bị ảnh hưởng. Diện tích trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc giảm 1.500/7.900 ha.

Theo Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận, thanh long rớt giá không chỉ khiến người trồng gặp khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu cũng lao đao. Hiện, lượng thanh long Bình Thuận đang tồn ở cửa khẩu và kho lạnh của doanh nghiệp khoảng 30.000 tấn. Đồng thời, dự kiến sản lượng thu hoạch thanh long trong tháng 3 là khoảng 100.000 tấn. Việc tìm đầu ra cho trái thanh long đang là điều cấp thiết.

Trước khó khăn đầu ra của thanh long, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, ngành nông nghiệp cũng tăng cường quản lý vùng trồng và đóng gói, kiểm tra chặt chẽ phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT và các ngành tăng cường, có các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ thanh long. Về lâu dài, tỉnh có định hướng lại tổ chức sản xuất để đảm bảo ổn định sản xuất.

Hoàng Anh