Có hiện tượng làm giá thanh long để giải quyết tồn kho?
Có hiện tượng làm giá?
Theo đó, phần lớn lượng hàng thanh long tồn kho trước đó do không được thông quan khi diễn biến dịch do virus corona diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã bị hỏng.
"Đến nay sau khi được thông quan trở lại, lượng thanh long còn trên cây tại các địa phương cũng gần hết do đó xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Nhiều công ty phải đẩy giá thu mua lên để đủ xe xuất sang Trung Quốc", ông Nguyên nói.
Tổng Thư kí Hiệp hội Rau Củ Quả Việt Nam cũng bác bỏ một số ý kiến cho rằng giá thanh long tăng cao là do có hiện tượng "làm giá". Ông nhận định đây hoàn toàn là qui luật cung cầu.
Ngoài ra, ông Nguyên cũng cho hay thời điểm này bên Trung Quốc là mùa lạnh nên nước này không thể trồng thanh long và một số loại hoa quả khác. Thêm vào đó, một số nước xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc lại nằm ở vị trí quá xa nên hàng không sang kịp.
Do đó, Trung Quốc ưu tiên nhập hàng từ Việt Nam do vị trí gần, giá thành rẻ. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cảnh báo giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 12, Trung Quốc có thể trồng thanh long trở lại và hàng của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang nước này hơn.
"Thời gian tới nếu tình trạng thiếu hàng vẫn tiếp diễn thì khả năng giá thanh long sẽ tiếp tục tăng bởi nhu cầu của Trung Quốc vẫn lớn trong khi nhân công bốc xếp hàng ở Việt Nam cũng không có nhiều", ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho hay thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phản ánh chịu thiệt hại nặng nề.
"Thông thường, thời điểm cuối năm trước, đầu năm sau, doanh nghiệp sẽ chia làm hai lứa để xuất khẩu thanh long là trước Tết và Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, năm nay, cả hai lứa đều chịu thiệt hại bởi dịch virus corona thậm chí là lỗ nặng", ông Nguyên nói.
Cần đa dạng thị trường xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, trong những ngày đầu tháng 2, trước diễn biến bất cập về xuất khẩu thanh long do ảnh hưởng của virus corona, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đề xuất với Công ty Da Lat Import Export (Melbourne, Australia ), kết nối với Sở Công Thương Long An để thu mua 5 tấn thanh long ruột đỏ đúng thời điểm bà con nông dân cần giải quyết đầu ra.
Bộ Công Thương cho biết mặc dù thanh long do Australia trồng đang vào mùa vụ và được bày bán nhiều nơi, nên việc đưa thanh long Việt Nam sang Australia là một thách thức lớn.
Thương vụ dự kiến phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney và Công ty Xuất nhập khẩu Đà Lạt (Melbourne) để chức Ngày hội thưởng thức thanh long ruột đỏ Việt Nam, đồng thời cùng với kiều bào xây dựng mạng lưới quảng bá tiêu thụ thanh long Việt Nam ổn định tại Australia.
Theo Cục Xuất nhập khẩu Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỉ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019.
Tháng 1, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.
Tỉ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 01/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1 do virus corona khiến các cửa khẩu biên giới tạm thời đóng cửa.
Trước tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị ngành hàng rau quả cần chủ động điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, trước mắt làm tốt công tác bảo quản, giảm sản lượng trái vụ, quy hoạch lại vùng trồng, điển hình như trái thanh long (đây là loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lớn nhất).
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác, cần tăng sản lượng trái cây phù hợp với các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khác như: Mỹ, các thị trường trong khối EU, Nhật Bản, Australia...