|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gia tăng tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác xuyên biên giới

07:00 | 09/05/2024
Chia sẻ
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trong giai đoạn từ 1993 - 2023, VIAC đã thụ lý 2.940 vụ tranh chấp với tổng trị giá tranh chấp là hơn 2,7 tỷ USD, trong đó, năm 2023 nhiều nhất với 427 vụ.

Hội thảo "Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam". (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Tại Hội thảo "Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam" tổ chức vào ngày 8/5, ông Wang Chengjie, Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Tuy vậy, trong hoạt động kinh tế luôn đi kèm rủi ro về tranh chấp do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.

Phân tích cụ thể,  ông Wang Chengjie cho rằng, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển từ hình thức thương mại đơn giản lên mức độ hợp tác cao hơn với các chuỗi công nghiệp và các chuỗi cung ứng. Các giao dịch theo chuỗi có đặc điểm là nhiều người tham gia liên vùng và nhiều liên kết khác... nên dễ hình thành rủi ro từ hoạt động kinh doanh, thay đổi chính sách và các trường hợp bất khả kháng như thiên tai…

Dẫn chứng, trong 5 năm qua, CIETAC đã thụ lý hơn 3.200 vụ việc liên quan đến tranh chấp nước ngoài với số tiền tranh chấp lên tới hơn 220 tỷ NDT (tương đương hơn 30 tỷ USD), bao trùm tất cả 10 quốc gia thành viên RCEP, trong đó có 16 vụ kiện trọng tài liên quan đến Việt Nam với số tiền tranh chấp khoảng 200 triệu NDT (tương đương hơn 27,6 triệu USD).

“Rủi ro có thể phát sinh theo từng thời điểm và ở mọi nơi trong các hợp tác kinh tế, thương mại. Nhưng bất kể loại rủi ro nào thì cuối cùng cũng có thể được quy thành rủi ro pháp lý”, ông Wang Chengjie nêu rõ.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, nhiều báo cáo về kinh tế đã chỉ ra dư địa hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc còn rất lớn. Việt Nam còn nhiều cơ hội khai thác thị trường rộng lớn của Trung Quốc, nhất là xuất khẩu nông sản.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm năng mở rộng và đầu tư dài hạn tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, khai khoáng, năng lượng mới...

Tuy vậy, trong hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư, nhiều doanh nghiệp chỉ chú ý đến vấn đề giá cả, lợi nhuận và ít chú ý đến vấn đề pháp lý - tạo những kẽ hở về pháp lý và dẫn đến nhiều vụ tranh chấp thương mại xuyên biên giới các quốc gia.

Tại VIAC, giai đoạn từ 1993 - 2023 đã thụ lý 2.940 vụ tranh chấp với tổng trị giá tranh chấp là hơn 2,7 tỷ USD, trong đó, năm 2023 nhiều nhất với 427 vụ.

Xét về lĩnh vực trong giai đoạn này, 40,7% vụ việc là liên quan đến mua bán hàng hoá, hơn 18% vụ việc liên quan đến xây dựng, năng lượng, cơ sở hạ tầng… Hơn nữa, gần 31,5% vụ việc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp FDI, hơn 22,4% vụ việc là tranh chấp quốc tế.

Vì vậy, để hỗ trợ cho thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc bền vững, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị cần chú trọng tới việc hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động phòng ngừa, quản lý rủi ro hợp đồng, xử lý hiệu quả các tranh chấp trong các giao dịch thương mại và các hoạt động đầu tư để thúc đẩy các giao thương và đầu tư giữa hai phía.

Trong đó, trọng tài thương mại quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới là một phương thức hữu hiệu giúp giải quyết các giao dịch xuyên biên giới. Trọng tài thương mại quốc tế là một cơ chế tư, có vai trò trung lập, thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại không cần thông qua các thủ tục dân sự tại tòa án.

Ngọc Bảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.