Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Phân phối địa tô hài hoà sẽ không còn tranh chấp, khiếu kiện
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 và lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5. Đến nay, dự án Luật tiếp tục được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét là việc thay đổi công cụ pháp lý cho việc định giá đối với đất đai.
Trước đây, chúng ta dùng khung giá của Nhà nước và được xác lập theo nguyên tắc hành chính. Còn hiện nay, chúng ta đã đưa ra một phương án mới là không quy định khung giá quyết định bảng giá và đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc của thị trường. Đây là một điểm mới rất quan trọng, có sự tiến bộ so với trước kia.
"Khi chúng ta đảm bảo xác định được bảng giá đất sát với giá thị trường thì sẽ đảm bảo khắc phục được những tồn tại hiện nay trong việc xác định giá đất và sẽ đảm bảo cái hài hòa quyền lợi của tất cả các bên có liên quan", Đại biểu Lộc cho biết.
Tất nhiên là việc xác định giá đất này sẽ đảm bảo chủ yếu là cho các quan hệ giữa Nhà nước với người dân và các doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước. Đây cũng là căn cứ rất quan trọng cho giao dịch của người dân, doanh nghiệp trên cơ sở tham khảo mức giá của Nhà nước theo quy định.
Bởi vì khung giá đất được áp dụng theo thời kỳ và được xác định theo một ý chí chủ quan. Còn bây giờ, bảng giá đất sẽ được xây dựng một cách khách quan hơn để bám sát giá thị trường.
Theo đại biểu, không có một khái niệm tuyệt đối về giá thị trường mà chỉ có thể nói việc xác định giá theo nguyên tắc thị trường. Khi xác định theo nguyên tắc thị trường thì giá đất sẽ tương đối bám sát với giá thị trường. Đây là một căn cứ rất quan trọng cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai.
Với lo ngại về việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ là kẽ hở lớn gây thất thoát ngân sách Nhà nước, đại biểu Lộc nhìn nhận đất sẽ có sự thay đổi theo mục đích sử dụng đất và khi thay đổi mục đích sử dụng đất thì có thể phát sinh sự gia tăng về giá đất, đặc biệt là việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ hay đất dùng làm nhà ở.
Trong trường hợp như vậy thì sẽ phát sinh địa tô chênh lệch và theo nguyên tắc khi đã phát sinh điều này thì Nhà nước có quyền quyết định và phân bổ một cách hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan bao gồm Nhà nước, các nhà đầu tư và người dân.
"Tôi cho rằng, nếu chúng ta xác định rõ chênh lệch về địa tô giữa các mục đích sử dụng đất khác nhau và có sự điều tiết địa tô chênh lệch hợp lý thì sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, không gây ra thất thoát, lãng phí", ông nói.
Hiện nay, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất kinh doanh, nhà ở hay cho những đầu tư khác chưa kiểm soát được địa tô chênh lệch. Chính vì vậy, thời gian qua đã phát sinh ra những bất công. Nếu xử lý được địa tô chênh lệch và đảm bảo phân phối một cách hài hòa địa tô thì sẽ không còn những cái tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai như hiện nay.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần quy định nộp tiền thuế đất, thuê đất một cách hợp lý để tránh tình trạng đất bị bỏ hoang hóa và không được sử dụng.