|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ấn Độ lo thua Việt Nam, Trung Quốc trong xuất khẩu smartphone

07:42 | 15/02/2024
Chia sẻ
Quan chức Ấn Độ lo ngại bị Việt Nam, Trung Quốc bỏ xa trong đường đua xuất khẩu smartphone.

Reuters dẫn tài liệu của Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho dự báo nước này có nguy cơ thua Trung Quốc và Việt Nam trong đường đua trở thành trung tâm xuất khẩu smartphone lớn. Do đó, Thứ trưởng CNTT Rajeev Chandrasekhar nhấn mạnh Ấn Độ cần “hành động nhanh chóng” để thu hút các công ty toàn cầu đi kèm với mức thuế thấp hơn.

Sản xuất smartphone là một phần quan trọng trong tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tạo việc làm bằng cách thu hút các công ty như Apple, Foxconn hay Samsung đến Ấn Độ - thị trường di động lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, sản lượng smartphone tại Ấn Độ tăng 16% lên 44 tỷ USD.

Chính phủ của ông Modi lý giải thành công này chủ yếu nhờ ưu đãi tài chính dành cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và nhóm vận động hành lang cho Apple cũng như các doanh nghiệp khác lại cho rằng mức thuế cao của Ấn Độ là rào cản.

Trong khi đó các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Mexico đang chạy đua xuất khẩu smartphone bằng cách đưa ra mức thuế thấp hơn đối với linh kiện nhập khẩu. Một văn bản Thứ trưởng Rajeev Chandrasekhar gửi cho Bộ Tài chính Ấn Độ cho thấy mức độ lo ngại về những thiệt hại mà nước này phải chịu khi thuế quan không cạnh tranh.

Công nhân làm việc trong một nhà máy tại Ấn Độ. (Ảnh: Reuters).

Ông Chandrasekhar viết trong văn bản rằng: “Trong số các cứ điểm sản xuất smartphone quan trọng, Ấn Độ có chi phí sản xuất đắt đỏ do có mức thuế cao nhất. Việc tái cơ cấu do ảnh hưởng địa chính trị đang buộc các chuỗi cung ứng phải dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Chúng ta phải hành động ngay nếu không họ sẽ chuyển sang Việt Nam, Thái Lan và Mexico”.

Giảm thuế đối với linh kiện nhập khẩu là chìa khoá cho tham vọng thu hút các nhà sản xuất smartphone đến Ấn Độ.

Điện thoại sản xuất tại Ấn Độ được sử dụng nhiều linh kiện nội địa hoá song các doanh nghiệp cũng phải nhập khẩu nhiều bộ phận cao cấp từ Trung Quốc và các nơi khác do hạn chế về chuỗi cung ứng.

Những bộ phận linh kiện này phải chịu mức thuế suất cao mà Ấn Độ đưa ra nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, điều này làm tăng chi phí chung.

Đại sứ Mỹ Eric Garcetti nói rằng đầu tư nước ngoài không chảy vào Ấn Độ như kỳ vọng mà thay vào đó lại đổ sang các nước như Việt Nam vì thuế quan. “Đánh thuế đầu vào không giúp bảo vệ thị trường. Làm như vậy là đang kìm hãm thị trường”, ông nói.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, ông Chandrasekhar đã chỉ ra mức thuế suất thấp hơn đã giúp Trung Quốc và Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu như thế nào. Ông cho biết số lượng smartphone xuất khẩu ở Ấn Độ chỉ chiếm 25% tổng sản phẩm xuất xưởng năm 2023, so với 63% sản lượng 270 tỷ USD của Trung Quốc và 95% sản lượng 40 tỷ USD tại Việt Nam.

Ấn Độ đang tìm cách chiếm 25% sản lượng điện tử toàn cầu vào năm 2029 nhưng các tài liệu chính thức cho thấy thị phần nước này hiện chỉ ở mức 4%, mặc dù Apple, Foxconn và Xiaomi đều đang tăng cường sản xuất tại đây.

Văn bản Bộ CNTT gửi Bộ Tài chính Ấn Độ vào tháng trước để vận động giảm mức thuế trong ngân sách hàng năm. Bộ Tài chính đã đồng ý giảm thuế đối với một số linh kiện, bao gồm cả pin từ 15% xuống 10% nhưng không đồng ý với nhiều yêu cầu cắt giảm thuế khác.

Nước này vẫn áp thuế 20% với các linh kiện bao gồm bộ sạc, một số bảng mạch và smartphone được lắp ráp hoàn chỉnh. Bộ CNTT Ấn Độ muốn các linh kiện này được giảm thuế xuống 15% trong năm nay.

Ông Chandrasekhar lập luận rằng Việt Nam và Trung Quốc không đánh thuế trên 10% đối với linh kiện từ các đối tác mà họ có hiệp định thương mại tự do. Ông cho biết Ấn Độ không làm điều đó và áp đặt mức thuế "cao" đối với nhiều thành phần.

“Về thuế quan chúng ta phải ngang hàng với Trung Quốc và đánh bại Việt Nam để thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu. Không một quốc gia nào có mức thuế cao lại có thể thu hút được các công ty”, ông viết.

Tuần trước, Xiaomi đã kiến nghị New Delhi giảm thuế đối với nhiều linh kiện được sử dụng trong camera và cáp USB. Nhà sản xuất smartphone Trung Quốc nói rằng điều này sẽ giúp “phù hợp với các nền kinh tế sản xuất cạnh tranh như Trung Quốc và Việt Nam”.

Trong khi nhu cầu nội địa tăng cao đã giúp các nhà sản xuất có lãi, ông Chandrasekhar cảnh báo rằng thị trường smartphone trong nước sẽ sớm bão hoà do người dùng không còn thay điện thoại thường xuyên. Mục tiêu của Ấn Độ là đưa sản lượng smartphone lên hơn 100 tỷ USD mỗi năm với 50% trong số này được xuất khẩu, do đó theo Thứ trưởng Chandrasekhar, nước này cần một chiến lược mới.

“Thuế quan đang là một trở ngại. Chúng ta cần phải thay đổi chính sách thuế để phù hợp với tham vọng mới. Tập trung cho xuất khẩu chứ không phải thị trường trong nước”, ông nhấn mạnh.

Đức Huy