|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá sản xuất tại Mỹ giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm

22:33 | 11/08/2022
Chia sẻ
Chỉ số giá sản xuất tháng 7 tại Mỹ đi xuống so với tháng liền trước, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong hơn hai năm qua. Diễn biến này là một tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

Một siêu thị tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Sáng 11/8 (theo giờ địa phương), Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 giảm 0,5% so với tháng 6. Đây là lần đầu tiên PPI đi xuống kể từ tháng 4/2020 khi COVID-19 đang hoành hành tại Mỹ.

Mức giảm 0,5% nói trên trái ngược với dự báo tăng 0,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.

Chỉ số giá sản xuất của Mỹ lần đầu giảm trong hơn hai năm.

So với cùng kỳ năm ngoái, PPI của tháng 7 tăng 9,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, như thể hiện trong biểu đồ dưới. Trong tháng 6, PPI tăng 11,3%. Kỷ lục hiện nay là 11,7% được thiết lập vào tháng 3 năm nay.

Lạm phát giá sản xuất và giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước đều đi xuống.

Chỉ số giá sản xuất tháng 7 giảm so với tháng 6 chủ yếu do giá năng lượng bán buôn đi xuống 9%. Riêng năng lượng đã đóng góp tới 80% mức giảm 1,8% của chỉ số giá hàng hóa. Trong khi đó, chỉ số giá dịch vụ nhích lên 0,1%.

Không kể giá lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại, PPI lõi (core) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng liền trước, bằng một nửa mức 0,4% mà các nhà kinh tế của Dow Jones ước tính. So với cùng kỳ năm trước, PPI lõi tăng 5,8%.

Số liệu PPI được công bố một ngày sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hôm 9/8, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết CPI tháng 7 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 8,7% mà giới chuyên gia dự báo, đồng thời giảm so với con số 9,1% của tháng 6.

Lạm phát CPI hạ nhiệt chủ yếu cũng nhờ vào giá bán lẻ nhiên liệu giảm. Đầu tháng 8 này, giá xăng xuống dưới ngưỡng 4 USD/gallon lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3.

Đầu tháng 8, giá xăng giảm xuống dưới 4 USD/gallon (tương đương 1,06 USD/lít).

CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach, Kinh tế trưởng tại công ty môi giới LPL Financial, nhận định: “Việc giá sản xuất hạ nhiệt báo hiệu đà tăng của giá tiêu dùng sẽ tiếp tục chậm lại. Lý do là trong bức tranh lạm phát, giá sản xuất thường biến động trước. Chúng tôi kỳ vọng tình hình giá sản xuất sẽ bớt căng thẳng khi chuỗi cung ứng được cải thiện. Những thay đổi trong chuỗi cung ứng có thể mất tới ba tháng mới tác động đến giá của người tiêu dùng cuối cùng”.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát để đánh giá tình hình nền kinh tế sau hơn một năm chống chọi với đà tăng phi mã của giá cả.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng, mất cân đối từ phía cầu, và các gói kích thích tài khóa cũng như tiền tệ khổng lồ trong thời dịch đã khiến lạm phát lên cao gấp nhiều lần mức mục tiêu dài hạn 2% của Fed. Từ đầu năm đến nay, Fed đã nâng lãi suất 4 lần với tổng mức tăng là 225 điểm cơ bản (bps).

Việc lạm phát tính theo CPI và PPI cùng đi xuống có thể sẽ khiến Fed giảm nhịp độ nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 20-21/9 tới đây. Cụ thể, ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 50 bps thay vì mức 75 bps như dự báo trước đó.

Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ ngày 11/8 cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 6/8 là 262.000, tăng 14.000 so với tuần trước đó nhưng thấp hơn 2.000 so với dự báo của các nhà kinh tế.

 Số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng dần trong những tháng gần đây khi Fed nâng lãi suất để chống lạm phát.

Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực với các thông tin vĩ mô mới được công bố. Tính đến 21h32 tối 11/8 (theo giờ Việt Nam), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 302 điểm, S&P 500 và Nasdaq Composite cùng đi lên khoảng 1%.

Trước đó trong phiên 10/8, Dow Jones bật tăng hơn 500 điểm, S&P 500 và Nasdaq Composite thêm lần lượt 2,13% và 2,89%.

Đức Quyền