Chứng khoán Mỹ nhảy vọt sau số liệu lạm phát khả quan, S&P 500 lên đỉnh ba tháng
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bật tăng 535 điểm, tương đương 1,63%, và đóng cửa ở gần 33.310 điểm. S&P 500 tăng 2,13% lên 4.210 điểm, cao nhất kể từ đầu tháng 5.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite vọt lên 2,89% và kết phiên ở 12.854,8 điểm, cao nhất tính từ cuối tháng 4 đến nay.
Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát từng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng liền trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ 2021.
Thực tế, số liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố sáng 10/8 cho thấy CPI đi ngang so với tháng 6 và chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo. Theo CNBC, giá năng lượng nói chung giảm 4,6%, trong đó riêng giá xăng sụt 7,7% so với tháng 6. Ở chiều ngược lại, giá lương thực tăng 1,1% và chi phí nhà ở tăng 0,5%.
Không kể giá năng lượng và lương thực, chỉ số CPI lõi (core) tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và 0,3% so với tháng trước, thấp hơn các con số 6,1% và 0,5% mà giới chuyên gia ước tính. Biểu đồ bên dưới cho thấy lạm phát của Mỹ hiện thấp hơn so với mức đỉnh 40 năm thiết lập trong những tháng trước của năm 2022.
Tuy CPI không phải thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhưng các quan chức cũng sẽ nghiên cứu báo cáo này cùng với nhiều số liệu kinh tế khác trước khi ra quyết định trong cuộc họp định kỳ ngày 20-21/9.
Thị trường tiền tệ tương lai dự báo chắc chắn Fed sẽ nâng lãi suất, có thể thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản (bps). Khi lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ không cần tăng lãi suất quá mạnh.
CNBC dẫn lời bà Nancy Davis, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ Quadratic Capital Management, nhận định: “Số liệu CPI tháng 7 vừa công bố có lẽ đã giúp Fed thở phào nhẹ nhõm, đặc biệt là khi Fed đã sai lầm vì nhận định rằng lạm phát chỉ là tạm thời. … Nếu chúng ta tiếp tục thấy lạm phát đi xuống, Fed có thể sẽ bắt đầu giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ”.
Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, cho rằng số liệu CPI tháng 7 là tín hiệu đáng mừng nhưng thị trường cần quan sát thêm các tín hiệu trong tương lai. “Chỉ một tháng thì không tạo nên xu hướng”, ông Zaccarelli nói. “Nếu số liệu các tháng sau cũng cho thấy lạm phát đi xuống thì thị trường có thể sẽ trông thấy hồi kết của các đợt tăng lãi suất”.
Ông Jim Cramer, người dẫn chương trình của CNBC và từng là nhà quản lý quỹ đầu cơ, cho rằng: “Rõ ràng chúng ta đã qua đỉnh lạm phát”. Ông dự báo Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 9 nhưng mức tăng chỉ là 50 bps thay vì mức 75 bps mà nhiều người dự đoán.
Chỉ số biến động Cboe (VIX) đóng cửa ở dưới ngưỡng 20 điểm lần đầu tiên trong 90 ngày qua, cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã bớt lo sợ.
Bank of America cho rằng Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook - là một khoản đầu tư hấp dẫn và đã đưa Meta vào nhóm “US 1” gồm khoảng 30 – 40 cổ phiếu khuyến nghị hàng đầu cho nhà đầu tư dài hạn. Đồng thời, cổ phiếu Alphabet – công ty mẹ của Google – bị loại khỏi nhóm “US 1” nói trên.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn dẫn dắt đà tăng của thị trường trong phiên 10/8. Meta Platforms vọt lên 5,8%. Apple và Microsoft cũng đi lên tương ứng 2,6% và 2,4%, Amazon bật tăng 3,5%, Netflix vượt trội với 6,2%. Biểu đồ bên dưới cho thấy công nghệ là một trong những nhóm tăng mạnh nhất chỉ số S&P 500 phiên 10/8.
Báo cáo thị trường lao động tích cực trong tuần trước và số liệu lạm phát hạ nhiệt trong tuần này cho thấy những tranh luận về việc nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa không còn là vấn đề cấp thiết nhất.
Bà Aneta Markowska, Kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Jefferies, nói: “Toàn bộ câu chuyện suy thoái cần phải được gác lại sang một bên”. Bà Markowska dự báo GDP của Mỹ tăng trưởng 3% trong quý III năm nay.