[Giá nông sản ngày 10/4] Giá cao su ngừng lao dốc, giá cà phê tăng nhẹ
Trên thị trường cao su, giá cao su giao tháng 9 trên sàn TOCOM (Nhật Bản) chốt phiên hôm nay tăng 0,63% so với cuối tuần trước lên 239,4 yen/kg. So với đỉnh giá ghi nhận được vào cuối tháng 1, mức giá này vẫn thấp hơn khoảng 31,87%.
Trong đầu phiên giao dịch, giá cao su bật tăng lên chạm ngưỡng 240 yen, trước khi đột ngột giảm mạnh và dao động hẹp trong khoảng 236 - 237 yen. Đến cuối phiên, giá cao su mới lấy lại được đà phục hồi và giao dịch sát ngưỡng 240 yen của đầu phiên.
Nguồn: TOCOM |
Mặc dù phục hồi nhưng giá cao su tại Nhật Bản vẫn chịu áp lực giảm lớn khi giá tại Thượng Hải vẫn lao dốc mạnh trong phiên hôm nay, về ngưỡng 15.000 nhân dân tệ. Cụ thể, giá cao su giao tháng 9 trên sàn SHFE (Trung Quốc) giảm thêm 545 nhân dân tệ xuống 15.520 nhân dân tệ/tấn vào lúc 15h56.
Giá cao su có thể phục hồi trong phiên sáng nay chủ yếu nhờ USD bật lên cao nhất 3 tuần so với rổ tiền tệ chủ chốt sau phát biểu của Chủ tịch Fed New York về cam kết tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ. Theo đó, USD tăng 0,3% so với yen lên 111,40 yen vào đầu giờ chiều nay.
Tương tự trên thị trường cà phê Tây Nguyên, giá cà phê tại Lâm Đồng và Gia Lai cũng được điều chỉnh tăng nhẹ 100 đồng/kg trong sáng nay. Hiện tại, giá cà phê Tây Nguyên đang giao dịch trong khoảng 46.300 - 47.200 đồng/kg.
Nguồn: giacaphe.com |
Trong cả tuần trước, giá cà phê robusta và arabica kỳ hạn giao tháng 5 lần lượt tăng 21 USD/tấn và 0,75 cent/lb. Theo nhận định của Diễn đàn của người làm cà phê, mức giá chênh lệch giữa hai thị trường hiện nay khiến cà phê robusta không có sức hấp dẫn với nhà rang xay do giá quá cao.
Thậm chí, mức chênh lệch trừ lùi giữa giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ của Việt Nam với giá kỳ hạn tháng 7 tại London cũng tăng lên 100 USD/tấn.
Hiện tại, triển vọng nguồn cung cà phê tại các thị trường lớn không có nhiều thay đổi. Tại một số nước sản xuất cà phê nhỏ hơn, nguồn cung cà phê tăng giảm bù trừ cho nhau nên không ảnh hướng lớn đến các yếu tố nền tảng của thị trường.
Cụ thể, Viện nghiên cứu Cà phê Quốc gia Costa Rica vừa cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này giảm 4,2% trong tháng 3, kéo tổng xuất khẩu 6 tháng đầu của niên vụ 2016 - 2017 giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bù lại, sản lượng cà phê của Colombia trong tháng 3 lại tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.020 bao 60kg; và xuất khẩu cà phê robusta của Indonesia cũng tăng tới 28% trong cùng kỳ.
Bảng giá một số nông sản khác. (Thanh Tùng tổng hợp) |