|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giá nhiều thực phẩm tăng, cảm nhận lạm phát của người dân có khác biệt so với mức dự báo của giới chuyên gia?

15:06 | 19/03/2022
Chia sẻ
Trong khi người dân ngày càng cảm nhận rõ hơn việc hàng hoá tăng giá, giới phân tích vẫn tương đối lạc quan về chỉ số lạm phát tại Việt Nam. Vậy đâu là lý do của sự chênh lệch này?

Sau 7 lần liên tục leo thang qua các kỳ điều hành từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trong nước hiện đang neo ở mức giá cao kỷ lục, chẳng hạn như giá xăng RON95 ở mức 29.820 đồng/lít, RON92 là 28.985 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng phi mã đã khiến nhiều hàng hóa, thực phẩm cũng "tát nước theo mưa".

Mâm cơm mọi gia đình đều đã 'cập nhật' giá xăng, vì sao giới phân tích vẫn lạc quan về lạm phát?  - Ảnh 1.

Các mặt hàng rau, củ quả đang tăng giá "chóng mặt". (Ảnh: TTXVN).

Theo khảo sát từ TTXVN, hiện một số các mặt hàng thực phẩm, lương thực đang tăng cao; trong đó tăng mạnh nhất là các mặt hàng đường mía, trứng, dầu ăn…, tăng từ 15-30% so với thời điểm đầu tháng.

Việc giá cả hàng hóa, nhu yếu phẩm tăng nhanh đã trở thành bài toán chi tiêu hóc búa của nhiều người dân. Đơn cử như cuộc sống của gia đình nhà chị Oanh (quận Cầu Giấy) cũng đã bị xáo trộn ít nhiều do phải chi tiêu nhiều hơn trong khi thu nhập có hạn.

"Trước đây cầm 100.000 đồng ra chợ cũng đủ lo bữa cơm gia đình, nay cầm ra cứ lo thiếu", chị Oanh chia sẻ.

Mặc dù cảm nhận của người dân về giá mọi loại hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày đều tăng tuy nhiên trước đó, giới chuyên gia lại dự báo tương đối lạc quan về lạm phát tại Việt Nam. 

Vào tháng 2, HSBC nâng dự báo lạm phát năm 2022 lên 3% nhưng đánh giá đó không phải là mối lo lớn với Việt Nam. Tới tháng 3, ngân hàng này tiếp tục cảnh báo về rủi ro lạm phát nhiên liệu kéo dài, song vẫn không tăng mức dự báo lạm phát.

Mới đây, Quỹ Dragon Capital cũng đưa ra ba kịch bản giá dầu trung bình cả năm tác động tới lạm phát 2022. Cụ thể, nếu giá dầu trung bình cả năm ở mức 95 - 130 USD/thùng thì lạm phát của Việt Nam sẽ giao động từ 3,7 - 5,3%. Còn trong kịch bản cơ sở, Dragon Capital dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,2% khi giá dầu trung bình ở mức 110 USD/thùng.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của Dragon Capital, áp lực của hàng hóa lên lạm phát là có, song vẫn trong tầm kiểm soát.

Rổ đi chợ của người dân khác với rổ hàng hoá CPI?

Lý giải về sự khác biệt giữa cảm nhận lạm phát của người dân và dự báo chỉ số lạm phát của giới phân tích, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính cho biết sự khác biệt này đến từ việc hàng hóa đi chợ của người dân chỉ là một trong rất nhiều nhóm hàng hóa trong "rổ" hàng hóa tính CPI của Tổng cục Thống kê.

"Hàng ngày, người dân đi chợ và biết rằng những gì họ mua như rau, thịt, cá, thực phẩm,... tăng cao tới "chóng mặt", do đó cảm nhận của người dân về lạm phát đang gia tăng rất cao chứ không dừng ở con số thống kê đưa ra. Song thực tế, những mặt hàng như lương thực, thực phẩm chỉ là một bộ phận trong "rổ" hàng hóa CPI", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết sự gia tăng của chỉ số CPI là sự cộng hưởng của rất nhiều loại hàng hóa khác nhau. Chẳng hạn như giá xăng dầu tăng 10 - 15% thì tác động tới chỉ số CPI khoảng 0,35 điểm%, hay giá các mặt hàng ăn uống tác động tới lương thực, thực phẩm cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong sự tăng lên của chỉ số CPI.

Do đó, khi xem xét tổng thể các hàng hóa cơ bản trong nền kinh tế, giới phân tích và các chuyên gia mới nhận thấy rằng các chỉ số này có tác động, song nó không làm tăng tổng thể chỉ số CPI.

Chính vì thế, từ góc nhìn của bản thân, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định nếu trong năm nay xảy ra việc bùng phát giá xăng dầu, giá của một số mặt hàng thì vẫn có thể kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng tốt nhất, lạm phát cũng giao động ở mức 3,8%.

Cũng lý giải về vấn đề vì sao giá hàng háa tăng nhanh nhưng chỉ số về lạm phát vẫn không tăng mạnh, chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, bà Đặng Nguyệt Minh, chuyên gia, phụ trách Khối Nghiên Cứu, Dragon Capital Việt Nam cho biết lạm phát là một "rổ" hàng hóa và chúng ta thường để ý nhiều hơn tới những yếu tố gần gũi với mình nhất, cũng như là xu thế quan tâm tới những gì tệ nhất.

Chuyên gia Dragon Capital cho biết thêm, thực tế giá xăng dầu tăng là tác động tệ nhất đối với Việt Nam và đã được phản ánh một phần trong chỉ số CPI của tháng 2.

Cụ thể, chi phí vận chuyển đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và chi phí này đóng góp 10% trong rổ lạm phát, từ đó kéo CPI của cả nước lên khoảng 1,5%. Bù lại, các yếu tố chi phí khác lại giảm như y tế, thực phẩm,... giúp CPI tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Chuyên gia cũng lưu ý chỉ số quan trọng hơn đó là chỉ số CPI lõi đã loại trừ các biến động của giá thực phẩm và giá năng lượng. Hiện CPI lõi của Việt Nam đang ở mức 0,68% và nếu chỉ số này tăng lên khoảng 2% thì nền kinh tế vẫn có thể chấp nhận được.

Phương Trang