|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VNDirect: Áp lực lạm phát sẽ tăng đáng kể từ tháng 3 do tác động gián tiếp của xung đột Nga - Ukraine

15:35 | 16/03/2022
Chia sẻ
VNDirect cho rằng áp lực lạm phát có thể sẽ gia tăng đáng kể từ tháng 3. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Chính phủ vẫn có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định xung đột Nga - Ukraine có tác động trực tiếp không lớn đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tác động gián tiếp đang tăng lên.

Các dự án đầu tư của Nga có thể bị đình trệ, song không gây tác động lớn

Về những tác động trực tiếp, do xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,1% tổng xuất khẩu của Việt Nam, và Nga cũng như Ukraine cũng không phải là thị trường xuất khẩu chính cho bất kỳ sản phẩm nào của Việt Nam, VNDirect cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine có tác động trực tiếp không lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu xung đột kéo dài, tác động gián tiếp đến thương mại của Việt Nam sẽ lớn hơn bởi nhu cầu từ EU và Mỹ sụt giảm do tăng trưởng kinh tế suy yếu. Hiện Mỹ và các nước thành viên EU chiếm khoảng 40% thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi các nước châu Á chiếm khoảng 48% thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine ít có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của ngành sản xuất Việt Nam do nhập khẩu của Việt Nam từ các nước này chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (trong đó nhập khẩu chính là thép và than).

Song, các nhà sản xuất Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực chi phí đầu vào gia tăng do giá các mặt hàng cơ bản tăng mạnh do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Bên cạnh đó, các dự án năng lượng của Nga tại Việt Nam có thể tiếp tục bị đình trệ. Tính đến hết tháng 2, Nga đứng thứ 24 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng trị giá 953 triệu USD. Các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng.

Tuy nhiên, VNDirect cũng thông tin các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam đã bị trì hoãn từ những năm trước nên các biện pháp trừng phạt có tác động không đáng kể đến nền kinh tế.

VNDirect: Áp lực lạm phát sẽ tăng đáng kể từ tháng 3 do tác động gián tiếp của xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Đối với các dự án thăm dò dầu khí như Lô 129-132 (bể Nam Côn Sơn), Dự án phát triển tổng hợp mỏ Báo Vàng tại Lô 111/04, 112, 113 của Gazprom và Zarubezhneft đều có quy mô nhỏ, đang ở giai đoạn thăm dò, chưa triển khai. Do đó, việc ngừng khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của ngành.

Trong khi đó, Ukraine đầu tư 30 triệu USD với 26 dự án tại Việt Nam, đứng thứ 69 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn chung, VNDirect cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine ít ảnh hưởng đến môitrường đầu tư và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Về đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), Việt Nam có thể chứng kiến sự thoái lui của dòng vốn FII trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư tài chính toàn cầu có xu hướng bán bớt các tài sản rủi ro để chuyển hướng sang các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng hoặc đô la Mỹ do xung đột Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, kỳ vọng lợi tức đồng USD tăng lên do lộ trình tăng lãi suất điều hành của FED cũng khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để quay trở lại Mỹ.

Áp lực lạm phát có thể gia tăng đáng kể từ tháng 3

Về những rủi ro từ tác động gián tiếp, các chuyên gia phân tích nhận thấy rủi ro lạm phát đang tăng lên do tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Cụ thể, giá dầu thô và khí đốt tự nhiên đã tăng đáng kể do khủng hoảng Nga - Ukraine. Giá dầu thô Brent đạt 125 USD /thùng vào ngày 7/3, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Hợp đồng khí đốt tháng giao trước chuẩn của Hà Lan đạt mức cao kỷ lục trong ngày là 185 EUR /tấn vào ngày 2/3, trong khi hợp đồng khí đốt tháng giao trước chuẩn của Anh đạt 384 pence/thermal, mức cao thứ hai từ trước đến nay.

Các chuyên gia của VNDirect cho rằng giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng. Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá vận tải.

VNDirect: Áp lực lạm phát sẽ tăng đáng kể từ tháng 3 do tác động gián tiếp của xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm và giá cước vận chuyển cũng có thể tác động đến giá thành sản xuất của Việt Nam. Xung đột càng kéo dài thì tác động càng lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tăng giá phân bón và các mặt hàng nông nghiệp (lúa mì, ngô, lúa mạch) cũng có thể làm tăng áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước, mặc dù tác động sẽ tương đối hạn chế.

Từ đó, VNDirect cho rằng áp lực lạm phát có thể sẽ gia tăng đáng kể từ tháng 3. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Chính phủ vẫn có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.

Hiện tại, thuế và phí đã chiếm hơn 40% giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Chính phủ đang xem xét các phương án giảm thuế môi trường đối với xăng dầu để hạ giá xăng dầu trong nước nhằm kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể giảm giá các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như điện, học phí, hoặc phí dịch vụ y tế để giảm áp lực lạm phát.

Nhìn chung, VNDirect duy trì dự báo CPI bình quân năm 2022 ở mức 3,45% so với cùng kỳ. Lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát và đạt mục tiêu của Chính phủ là giữ cho CPI bình quân năm 2022 tăng dưới 4% so với cùng kỳ.

Phương Trang