Nhìn lại khủng hoảng 2008, chuyên gia đánh giá áp lực lạm phát 2022 không đáng lo nhờ yếu tố này
Kinh tế Việt Nam từng "chao đảo" ra sao vào giai đoạn 2008-2009?
Nhìn lại thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 14 năm trước đến từ nước Mỹ, tiềm ẩn từ cuối 2007 và bùng phát vào năm 2008, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng nhà đất, lan sang hệ thống tài chính, kinh tế thực, lĩnh vực lao động việc làm và lan sang các nước trên thế giới.
Đây cũng là một năm lịch sử của thị trường dầu thô, khi mà giá "vàng đen" đạt đỉnh cao mọi thời đại 147,27 USD/thùng vào tháng 7/2008. Mức giá kỷ lục này được thiết lập vào đúng ngày mà giới đầu tư lo ngại Israel có thể tấn công Iran, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu qua Vịnh Ba Tư.
Trước thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, giai đoạn 2002-2007, Việt Nam luôn được coi là một trong những điểm sáng trong bản đồ kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,8%. Với việc gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP lên tới gần 8,5%.
Từ những biến động kinh tế thế giới trong giai đoạn 2008-2009, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm xuống còn 6,31%, năm 2009 còn 5,32%.
Vào thời điểm này, chính phủ các nước cũng như các tổ chức tài chính quốc tế đã đồng loạt đưa ra rất nhiều gói tài chính kích cầu khổng lồ và các biện pháp hỗ trợ. Chính phủ Việt Nam cũng đã tung ra gói kích cầu, hỗ trợ kinh tế quy mô lớn vào năm 2009.
Đề cập tới ảnh hưởng vĩ mô của gói hỗ trợ năm 2009, tại phiên chất vấn của Quốc hội hồi tháng 11/2021, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết gói kích thích này đã khiến lạm phát tăng cao.
Đầu tư dàn trải gây nợ đọng lãng phí, đình hoãn, nhiều dự án dừng vào năm 2011 đến nay chưa giải quyết được hậu quả. Ông cũng cho biết một số chương trình hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được, gây hệ lụy lớn.
“Gói kích thích này khi đó chủ yếu tập trung vào nguồn cung mà không hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ với các chính sách về tiền tệ và tài khóa khác, làm giảm hiệu quả dẫn tới trục lợi chính sách”, Bộ trưởng chỉ ra.
Lạm phát 2022 không đáng lo khi cung tiền không gây áp lực
Trao đổi với người viết, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh nhận định nguyên nhân gây ra lạm phát đến từ nhiều yếu tố, song ở thời điểm hiện tại, việc giá cả hàng hóa tăng cao là một trong những yếu tố gây nên lạm phát.
Tuy nhiên, ông lưu ý để so sánh với áp lực lạm phát thời điểm năm 2008 thì có một sự khác biệt rất lớn, đó là về chính sách tiền tệ.
"Nếu nhìn lại thời điểm 2008 - 2009 là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng với tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng cung tiền M2 rất mạnh dẫn tới lạm phát tiền tệ", ông Trần Đức Anh nhận định.
Tín dụng và cung tiền bắt đầu bùng nổ từ năm 2007, kết thúc năm, tín dụng tăng vọt 49,79% còn cung tiền M2 cũng ở mức 49,11%. Với các chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, năm 2008 cung tiền M2 giảm xuống còn 20,7%. Sau đó, vào năm 2009, tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế tăng thêm ở mức 39,6% và cung tiền M2 tăng 29%.
Chuyên gia cho rằng với việc cung tiền bơm ra mạnh mẽ ở thời điểm đó kết hợp cùng giá nguyên vật liệu đã khiến cho lạm phát tăng vọt.
Còn đối với áp lực lạm phát ở thời điểm hiện tại, ông Trần Đức Anh cho rằng chủ yếu do nguyên vật liệu đầu vào tại các nước trên thế giới tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và bất ổn chính trị. Sự khác biệt còn đến từ chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước (NHNN) xuyên suốt trong vài năm trở lại đây đã tương đối thận trọng.
"Tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 trong hai năm trở lại đây tăng trưởng khoảng 12 - 14%, mức nền này được duy trì trong khoảng thời gian 2018-2019 đến bây giờ và thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó", ông Đức Anh thông tin.
Với việc chính sách tiền tệ của NHNN đã thận trọng hơn đáng kể so với giai đoạn về trước, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV cho rằng lạm phát giai đoạn hiện tại mặc dù có nhưng cũng không quá đáng ngại như giai đoạn năm 2008.
Giá xăng dầu, hàng hóa neo cao và rủi ro tới chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2022
Chia sẻ với người viết, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho biết nền kinh tế Việt Nam hiện tương đối yếu và đang trong quá trình phục hồi sau hai năm chịu tác động từ đại dịch COVID-19.
Do đó, việc giá dầu đang quay trở lại đỉnh của năm 2008 kéo theo đó là sự leo thang của giá cả hàng hóa, điều này sẽ mang tới nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng phải chịu tác động lớn từ việc vừa phục hồi sau những khó khăn do dịch bệnh lại phải đối mặt với giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao.
Ông Nguyễn Thế Minh đánh giá áp lực lạm phát năm 2022 tăng cao chủ yếu đến từ chi phí đẩy. Điều này xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đang kiềm chế lạm phát để duy trì mặt bằng lãi suất thấp cho năm 2022, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồi phục sau hai năm đóng băng do đại dịch COVID-19.
Ông cho rằng nếu lạm phát trong năm 2022 tăng vượt mức mục tiêu của Chính phủ, từ vấn đề này sẽ đẩy đến việc chính sách tiền tệ của Việt Nam buộc phải thắt chặt hơn. Nhiều khả năng lãi suất sẽ tăng trong năm 2022, bối cảnh này sẽ đồng loạt xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Trong bối cảnh Fed tăng mạnh lãi suất trong năm nay, rất có khả năng chính sách tiền tệ của Việt Nam ít nhiều sẽ ảnh hưởng đáng kể", Giám đốc phân tích CTCK Yuanta cho hay.
Ông cũng phân tích thêm, điều này có thể ảnh hưởng tới mặt tỷ giá. Bởi tất cả chính sách tiền tệ của Fed sẽ ảnh hưởng đến đồng USD, thông thường đồng USD có xu hướng đi lên khi Fed thắt chặt hoặc tăng lãi suất và tình hình tỷ giá của Việt Nam cũng trở nên căng thẳng và áp lực hơn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, xét về tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với cung tiền hiện nay thì Việt Nam đang đạt ở mức xấp xỉ khoảng 18%. Thông thường trong mức này, Việt Nam vẫn có khả năng, công cụ để kiểm soát được tình hình tỷ giá.
Qua đó, ông cho rằng tỷ giá có thể biến động đi lên nhưng vẫn sẽ trong mức biến động không phải quá nóng như những năm về trước do dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang khá dồi dào.
Bên cạnh những tác động trên, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam trong năm 2022 cũng sẽ bị ảnh hưởng khi giá nguyên liệu, nhiên liệu như giá dầu, thép tăng lên. Trong năm 2022, Việt Nam dùng phần lớn ngân sách trong gói 350.000 tỷ đồng để dành cho lĩnh vực đầu tư công hạ tầng.
"Với bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao thì Việt Nam sẽ rất khó trong việc thúc đẩy, đẩy mạnh giải ngân toàn bộ gói đầu tư này trong năm 2022. Do đó, khả năng cao Việt Nam sẽ bị chậm trong việc giải ngân đầu tư công", Giám đốc phân tích CTCK Yuanta nhận định.