|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia nhận định xung đột Nga - Ukraine không ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam như chúng ta lo sợ

09:48 | 12/03/2022
Chia sẻ
Với tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga và Ukraine không quá lớn, chuyên gia Nguyễn Đức Thành cho rằng cuộc xung đột giữa hai nước sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới kinh tế Việt Nam.

Đánh giá tác động chung về kinh tế thương mại của Nga đối với Việt Nam tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine” được tổ chức tại TP HCM ngày 11/3, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS), cho rằng ảnh hưởng này đến kinh tế Việt Nam là không lớn như chúng ta sợ hãi.

Nhìn vào cấu trúc xuất nhập khẩu của Nga, nước này chủ yếu xuất khẩu hàng nguyên liệu thô, nhập khẩu hàng tiêu dùng, rất ít nhập máy móc hay xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Nền kinh tế của Nga tương đối đóng, khi xuất khẩu năm 2021 đạt 500 tỷ USD và nhập khẩu 300 tỷ USD. 

Với cơ cấu xuất nhập khẩu được xem là của một quốc gia đang phát triển, cùng quy mô nền kinh tế đang thu hẹp lại khi GDP danh nghĩa khoảng 1.500-1.600 tỷ USD. 

Nền kinh tế của Nga đang nhỏ hơn quy mô kinh tế của Hàn Quốc, dần tiến tới về ngang bằng quy mô của Indonesia, hay chỉ tương đương một số tỉnh giàu của Trung Quốc hoặc một số bang của Mỹ.

"Cho nên, khi nền kinh tế Nga sụp đổ, khủng hoảng hay suy thoái sẽ không gây ra ảnh hưởng quá lớn về mặt kinh tế", ông Thành nhận định.

Theo ông Thành, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga giá trị 3,2 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường Nga giá trị 2,3 tỷ USD, tổng kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD (năm 2021). Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là hơn 100 tỷ USD và tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam là hơn 500 tỷ USD.

Trên thực tế, mặc dù những doanh nghiệp đang có hoạt động giao thương với Nga bị ảnh hưởng mạnh, nhưng về tổng thể lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

Song, cuộc xung đột này sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam thông qua yếu tố giá khi giá nguyên vật liệu ở những quốc gia nơi Việt Nam nhập khẩu bị tăng lên.

Tuy nhiên, theo ông Thành, với khó khăn này, các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam cần phải làm quen bởi không có cuộc khủng hoảng này sẽ có cuộc khủng hoảng khác. 

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Quốc Hùng, CEO Viện Tài chính Quốc tế IIF tại Washington DC, Mỹ phân tích, căng thẳng Nga-Ukraine và biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra sự thiếu hụt, nâng giá nhiều loại hàng như dầu khí, ngũ cốc và một số khoáng sản chiến lược.

Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp. Mặt khác, kinh tế toàn cầu sẽ bị đình trệ, lạm phát tăng cao cũng gây ra tình trạng giảm phát làm môi trường kinh doanh thêm khó khăn cho doanh nghiệp toàn cầu.

Tuy vậy, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ 5 và hai nước này cộng lại cung cấp hơn 30% cho thị trường lúa mì thế giới. Căng thẳng hai nước làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá nhiều loại ngũ cốc, nông phẩm khác.

Theo đó, cũng như một số nước khác, Việt Nam có thể tăng cường tham gia thị trường EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine. Việt Nam xuất khẩu gạo trên 6,5 triệu tấn/năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ.

Vì doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và nông phẩm Việt Nam không chỉ có lợi thế xuất khẩu về sản lượng mà thị trường, giá cả có thể tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, vào thời điểm này cũng là điều kiện tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và đa dạng nông phẩm lương thực sang thị trường EU.

Trong bối cảnh này, Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần trong thị trường EU, trước tiên là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Song song đó, Việt Nam nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.

Bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến yếu tố giá, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cũng lưu ý  không nên lạm dụng việc trợ giá quá nhiều, vì người dân và doanh nghiệp nên làm quen với sự vận động của thị trường, song cũng không nên thả lỏng quá mức.

Các biện pháp Chính phủ có thể thực hiện hiện nay là sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu sẵn có cùng các chính sách về thuế, phí để giá xăng dầu không tăng quá cao và tăng đột ngột gây ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Phương Trang